“Con xuống xe ngay“, người mẹ dừng xe, bắt cậu con trai chừng tám, chín tuổi xuống, quỳ gối ngay trước cổng trường. Cậu bé nói trong tiếng nấc: “Mẹ ơi, xin lỗi mẹ, con biết lỗi rồi”.
“Sao chị làm vậy?“, một người đứng gần đó bức xúc.
“Phải làm như vậy trước mặt bạn bè đồng trang lứa nó mới xấu hổ, không dám tái phạm nữa“, chị ta phân trần.
Đó là chuyện xảy ra trước cổng một trường tiểu học ở Q.3, TP. HCM, vào ngày 14-12 vừa qua.
Lời bàn: Người lớn rất coi trọng danh dự, nhưng nhiều lúc lại quên hoặc không biết trẻ nhỏ cũng có lòng tự trọng. Đánh vào lòng tự trọng là một biện pháp hiệu quả, nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng biết cách sử dụng thứ vũ khí hai lưỡi này.
Nếu trẻ không biết giữ vệ sinh phòng riêng, không biết cất đồ sau khi chơi xong, người mẹ có thể đánh vào tâm lý thích làm người lớn của trẻ. Chẳng hạn như, mẹ có thể nói: “Ơ, ai vứt đồ chơi bừa bãi thế này nhỉ? Chắc chắn không phải cu Bin của mẹ rồ. Cu Bin của mẹ là người lớn, đâu có làm như vậy nhỉ”.
Bằng cách nói đó, cu Bin sẽ thấy mẹ đánh giá cao mình. Khi lòng tự trọng được nâng lên, trẻ sẽ tự giác và vui vẻ sửa sai.
Đó là một cách dạy con khôn ngoan. Còn phương pháp làm con xấu hổ trước mặt đám đông như người mẹ trong câu chuyện trên là điều không nên.
Trước hết, ý định làm con xấu hổ sẽ gián tiếp hạ thấp giá trị của người mẹ trước mặt mọi người. Không ai trách đứa trẻ vì nó quá nhỏ, phạm lỗi là điều khó tránh, nhưng hành động trên sẽ khiến người xung quanh đánh giá không hay về mẹ nó.
Kế đến, về lâu dài, cách giáo dục trên sẽ để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Ban đầu, bé có thể mắc cỡ, xấu hổ nhưng không phục. Lâu dần, trẻ có thể trở nên chai lì, đánh mất lòng tự trọng hoặc trở nên tự ti, khó hoà nhập với xã hội.
Ngoài ra, việc hạ thấp danh dự của con như vậy còn có một tác dụng phụ đáng tiếc là đẩy đứa trẻ ngày càng xa rời bố mẹ. Khi này, trẻ không còn tự tin, thậm chí ghét và sợ mỗi khi ở gần các bậc sinh thành.
Đó chính là câu chuyện của bạn Thanh Sơn, 24 tuổi. Trong một lá thư gửi về báo, bạn viết: “Lúc nhỏ, mỗi khi mắc lỗi, tôi bi bố bắt quỳ trước cửa nhà, vừa giơ hai tay lên khỏi đầu vừa hét to câu: “Tôi là đồ con lừa, nhẹ không ưa, ưa nặng”. Từ đó, mối quan hệ của tôi và bố luôn căng thẳng, ít khi nào chúng tôi gần gũi với nhau”.