Sắp hết năm học, các bé đang chuẩn bị đối đầu với các kỳ thi và những bài kiểm tra khó. Bố mẹ phải làm sao để trao đổi việc học tập của con với cô giáo?
Không phải ông bố bà mẹ nào cũng biết quan tâm đến việc học hành của con cái và biết cách trao đổi với thầy cô để hỗ trợ việc học tập của con em mình được đến nơi đến chốn. Trao đổi và nói chuyện với thầy cô giáo về công việc học tập và sinh hoạt của con khi không có bố mẹ ở bên là một việc làm quan trọng, nó thể hiện tình yêu thương và quan tâm đến con cái.
Chuẩn bị
Khâu chuẩn bị khá quan trọng vì trước khi đến gặp hoặc gọi điện cho thầy cô giáo của con, mẹ phải biết nói những gì, đề cập đến vấn đề gì của con. Mẹ hãy ghi vào giấy các tình huống cần thiết liên quan đến học tập và sinh hoạt của con như quá trình học tập, những điểm yếu kém, những môn cần khắc phục và mục tiêu sắp tới… để không thấy bỡ ngỡ và thiếu sót khi trao đổi với cô giáo.
Mẹ nên chuẩn bị và chọn lựa thời điểm thích hợp để nói chuyện với thầy cô của con.
Chọn thời điểm thích hợp
Chọn thời điểm thích hợp thực sự rất quan trọng khi mẹ quyết định nói chuyện với cô giáo của con. Không phải thời điểm nào hợp với mình cũng sẽ hợp với người khác. Nên tránh gọi điện và đến nhà cô giáo trong những giờ làm việc, giờ ăn cơm. Trước đó mẹ nên gửi cho cô một thư điện tử, bàn về vấn đề học tập của con và muốn có một cuộc nói chuyện tùy vào giờ giấc của cô giáo.
Khi nói chuyện nên bắt đầu vào chủ đề ngay, không kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến thời gian và công việc của cả mẹ và cô giáo. Tôn trọng thời gian của đôi bên sẽ làm cho cuộc nói chuyện được chất lượng hơn.
Biết lắng nghe
Khi trẻ đến tuổi đi học sẽ không ở gần cha mẹ thường xuyên. Người được tiếp xúc với trẻ nhiều hơn và có đánh giá cũng như nhìn nhận về trẻ chính xác hơn là cô giáo và bạn bè của trẻ. Hãy lắng nghe cô giáo nói về quá trình học tập cũng như sinh hoạt của trẻ. Dù những ý kiến đó có thể hơi khác và không được như những gì mẹ mong muốn, mẹ cũng nên lắng nghe và chia sẻ để cả đôi bên cùng tìm ra những cách giải quyết thích hợp nhất.
Hãy thẳng thắn trao đổi với thầy cô của con về mọi vấn đề.
Trao đổi điểm mấu chốt
Trong cả buổi nói chuyện mẹ không hẳn chỉ biết lắng nghe, sau khi lắng nghe hãy chia sẻ những suy nghĩ, những cảm nhận và tình hình học tập của con cho cô giáo. Mẹ cũng nên nói với cô giáo về tính cách, cá tính và thói quen dù tốt hay xấu của con để cô biết và có những điều chỉnh phù hợp.
Mẹ hãy ghi nhớ những điểm mấu chốt sau cuộc đối thoại để có cách thức dạy và quan tâm đến con cái mình.
(Theo Eva)