Viết chữ bằng chân
Chiều cuối tuần, chúng tôi cùng một số nhà hảo tâm ghé thăm Trung tâm Nuôi dưỡng và Đào tạo nghề cho người khuyết tật ở huyện Hóc Môn, thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM. Trong số hơn 100 thành viên không bình thường về mặt thể xác và tinh thần được khám chữa bệnh hôm ấy, mọi người trong đoàn đều ấn tượng trước một cô gái ngồi trên xe lăn chào đón khách bằng chiếc chân phải teo tóp dị thường.
Bà Phạm Thị Hỏi, Phó Giám đốc Trung tâm, tự hào giới thiệu: “Cô ấy là Huỳnh Thị Sậm, sinh năm 1979, nổi tiếng với kỷ lục 14 tuổi mới đến trường và chỉ trong 1 năm học xong chương trình tiểu học. Tuy tứ chi dị biệt nhưng Sậm vẫn làm được mọi việc như người bình thường, thậm chí làm tốt hơn chỉ bằng một ngón chân. Không những thế, Sậm còn sử dụng máy tính thành thạo và vẽ tranh rất đẹp”.
Sậm quê ở ấp 7, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh chị em. Lọt lòng mẹ, Sậm đã sở hữu cơ thể teo tóp, co rút. Do gia đình nghèo khó và do mặc cảm nên Sậm chỉ biết sống chui rúc trong căn nhà tranh ọp ẹp. Khi thấy anh chị em đến trường, Sậm khát khao nhưng cha bảo khi nào con biết cầm bút thì thầy cô mới cho vào lớp.
Thời gian dần trôi đã nhen nhóm ý chí trong cô bé Sậm. Đến năm 14 tuổi, khi Sậm luyện được khả năng viết chữ bằng chân thì cha mất vì bạo bệnh. Dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng mẹ vẫn giữ lời hứa cho Sậm đến lớp tại điểm trường xóa mù. Lúc đó gia đình, các thầy cô và chính Sậm chỉ nghĩ học để biết đọc biết viết thôi. Nhưng thấy Sậm học mau nên các thầy cô cho Sậm học vượt lớp. Thế là chỉ trong năm học đầu Sậm đã hoàn thành chương trình tiểu học.
Nhờ khổ luyện mà chỉ với một ngón chân, Sậm
viết chữ, vẽ tranh rất đẹp, sử dụng máy tính thành thục.
Ý chí và thành công
Hồi học cấp 1, nhờ trường ở gần nhà nên Sậm được má, anh chị em và bạn bè trong xóm thay phiên cõng đến trường. Lên cấp 2 phải đi xa đến 5km, Sậm phải tập chèo xuồng. Lên cấp 3 phải ra huyện học xa đến 15km, không thể đi về trong ngày với khoảng cách xa như vậy nên Sậm ở nội trú.
Trong thời gian học, do hoàn cảnh quá khó khăn nên Sậm trường kỳ đánh bạn với món ăn chủ lực “chỉ cơm với khô quẹt”. Có những lúc buồn chán, Sậm nghĩ đến cái chết và nảy sinh ý định bỏ học nhưng nhớ lại lời trăng trối của cha lúc đi xa nên không cho phép mình gục ngã. Cha Sậm dặn: “Mọi sự giúp đỡ đều có giới hạn và không bền vững. Con phải tự giúp mình thôi. Sống là chiến đấu!”. Vượt qua bao khó khăn và những đêm dài đẫm nước mắt, rồi Sậm tốt nghiệp cấp 3.
Ngày hay tin Sậm trở thành tú tài, má và các chị ôm nhau khóc vì hạnh phúc. Cảm phục Sậm, bà con chòm xóm người góp gà, người góp vịt bày tiệc ăn mừng sự kiện “không thể thành có thể”. Ngày trao bằng cho Sậm, cô Hiệu trưởng lấy Sậm làm gương điển hình bằng câu nói: “Cuộc sống không có con đường cùng. Chỉ có những giới hạn mà ta phải vượt qua. Ai có ý chí sẽ thấy lối mở sau con đường cùng”.
“Không cho phép mình dừng lại!”
Khi cảm giác lâng lâng vẫn còn ngập tràn thì Sậm làm cuộc cách mạng, rời quê hương lên TP HCM học nghề vẽ tại Mái ấm Thành Đạt qua sự giới thiệu của những người tốt bụng. Sậm tâm sự: “Tốt nghiệp rồi, biết gia cảnh và sức mình khó theo đuổi giấc mộng giảng đường nên Sậm chọn ngả rẽ khác với suy nghĩ “đại học không phải là con đường duy nhất”.
Lần đầu tiên lên thành phố, Sậm sợ lắm nhưng nhờ nhiều người tốt giúp đỡ nên cũng đến được nơi mà mình gửi gắm niềm tin và hy vọng”. Trầy trật hơn 3 tháng trời, Sậm mới thuần thục trong động tác pha màu, cầm cọ. 6 tháng sau Sậm đã có thể tích lũy được tiền và gửi về nhà cho má mỗi tháng gần 200.000 đồng. “Số tiền tuy nhỏ nhưng ý nghĩa với Sậm lắm! Có nằm mơ Sậm cũng không nghĩ có ngày mình tự tay làm được đồng tiền nuôi sống mình và phụ giúp gia đình”.
Năm 2006 Sậm xin chuyển đến Trung tâm Nuôi dưỡng và Đào tạo nghề cho người khuyết tật, học nâng cao tay nghề và thử lửa với các khóa học về máy tính. Bà Hỏi khoe: “Từ học viên, Sậm đã phấn đấu, đã nỗ lực phi thường và nay em là nhân viên chính thức của trung tâm (quản lý thư viện), được nhận lương và hưởng đầy đủ các tiêu chuẩn như các cán bộ viên chức khác”. Sậm tâm tình rất hài lòng với cuộc sống hiện tại nhưng không vì thế mà dừng lại. Sậm đang nuôi quyết tâm học Đại học Mỹ thuật.
Sậm tâm sự, Sậm học tập, rèn luyện không ngừng chỉ để chứng minh với những người đồng cảnh ngộ một điều: Trên những nẻo đường của cuộc sống, chông gai không phải là trở ngại với những người khiếm khuyết về thể xác. Chiến thắng chính mình là chiến thắng tất cả!
(theo vtc)