ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Mỹ lật lại vụ cướp tranh lớn nhất lịch sử
Monday, March 22, 2010 15:30
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Hồi năm 1990, hai tên cướp táo tợn đã tấn công bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở thành phố Boston, Mỹ. Trong vòng 81 phút, chúng đã lấy đi nhiều họa phẩm của Rembrandt, Vermeer, Degas, Manet… trị giá hơn nửa tỷ USD, gây nên vụ cướp tranh lớn nhất từ trước đến nay. Mới đây, nhà chức trách Mỹ đã lật lại vụ án này với hy vọng tìm được những bức tranh quý.

1h24 ngày 18/3/1990, hai người đàn ông da trắng trong trang phục cảnh sát tiến lại gần phòng bảo vệ của bảo tàng Isabella Stewart Gardner. Khi tới cửa, một trong hai người cất tiếng: “Cảnh sát Boston đây. Chúng tôi nhận được tin báo có chuyện bất thường ở đây”. Một nhân viên bảo vệ tên Richard A. đã vội mở cửa cho họ vào mà không thực hiện các hoạt động kiểm tra nhận diện như quy định của bảo tàng.

Khi vào trong, “viên cảnh sát” thấp hơn yêu cầu Richard A. gọi cộng sự tới trình diện. Hai “sĩ quan cảnh sát” tiếp tục đòi kiểm tra giấy tờ của các nhân viên bảo vệ rồi tuyên bố họ bị bắt. Trong khi Richard A. ngoan ngoãn tra tay vào còng, cộng sự của anh này có cự nự về lý do bản thân bị bắt. Tuy nhiên anh ta vẫn chắp tay sau lưng để bị còng.

Mỹ lật lại vụ cướp tranh lớn nhất lịch sử - Tin180.com (Ảnh 1)
Giám đốc an ninh Anthony Amore
đứng cạnh một khung tranh rỗng trong bảo tàng

Ngay khi những chiếc còng số 8 vừa được khóa lại, hai tên cướp liền “hiện nguyên hình” bằng một tuyên bố nhẹ nhàng: “Thưa các quý ông, đây là một vụ cướp”.

Cả hai người bảo vệ bị còng tay, bịt băng dính vào mắt và mồm. Những tên cướp hành động khá chậm rãi. Phải mất gần nửa tiếng để chúng kết thúc việc khống chế các nhân viên bảo vệ. Trong 81 phút tiếp theo, chúng đã lấy đi nhiều họa phẩm của Rembrandt, Vermeer, Degas, Manet… với tổng giá trị lên tới hơn nửa tỷ USD.


Hàng loạt họa phẩm giá trị

20 năm sau vụ việc kể trên, nay nhà chức trách đã lần ra được hoạt động cụ thể của những tên cướp. Theo đó, ngay sau khi khống chế các nhân viên bảo vệ, chúng đã lên thẳng tầng 2, tới khu trưng bày tác phẩm của các danh họa Hà Lan và là nơi treo phần lớn những bức tranh đắt giá nhất.

Mỹ lật lại vụ cướp tranh lớn nhất lịch sử - Tin180.com (Ảnh 2)
Bức Storm On The Sea Of Galilee
của Rembrandt đã bị bọn cướp lấy đi

Bức tranh đầu tiên bị lấy đi là Storm On The Sea Of Galilee của Rembrant. Bọn cướp đã cắt bức họa với kích cỡ 160×127 cm, được vẽ vào năm 1633, ra khỏi khung. Tiếp đó chúng lấy đi bức Landscape With An Obelisk của Govaert Flinck. Bọn cướp còn mang theo bức A Lady And Gentleman In Black cũng của Rembrant, được vẽ hồi năm 1633. Giống như số phận của bức tranh đầu, họa phẩm này cũng bị cắt khỏi khung.

Bức tranh giá trị nhất bị lấy đi là The Concert của Vermeer. Đây là một bức sơn dầu với kích cỡ 70×60 cm, được vẽ hồi năm 1660. Nó là một trong 36 tác phẩm do họa sĩ bậc thầy người Hà Lan vẽ nên và có giá hơn 250 triệu USD. Bọn cướp còn gỡ một bức tự họa của Rembrandt vẽ năm 1629 xuống khỏi tường treo. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, chúng đã vứt lại họa phẩm này và chỉ lấy đi một tranh khắc a-xít nhỏ, cũng của Rembrandt. Đây là một trong nhiều chi tiết khó hiểu đang khiến cơ quan điều tra đau đầu khi họ cố gắng tìm hiểu vụ cướp.

Sau khi các tác phẩm nghệ thuật lớn đã được tháo khỏi tường, tên cướp chỉ huy đã cho tên trẻ hơn lấy bất kỳ bức tranh nào y thích. Anthony Amore, Giám đốc an ninh của bảo tàng, cho biết tên cướp này đã tới một gallery nằm trong khuôn viên bảo tàng, lấy đi một bức tranh nhỏ do Degas vẽ nhưng lại bỏ qua nhiều họa phẩm giá trị hơn.

Điểm khó hiểu cuối cùng là những tên cướp đã xuống tầng 1, tiếp tục bỏ qua nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị và chỉ lấy bức Chez Tortoni do Manet vẽ. “Nếu được nói chuyện với bọn cướp, tôi sẽ hỏi chúng rằng: “Tại sao các anh lại làm như vậy? Tại sao các anh lại bỏ qua những bức tranh của Raphael?” ” – Amore nói. Trên đường trở ra, bọn cướp đã đập phá nhiều thứ trong phòng an ninh và lấy đi cuốn băng VHS, bằng chứng hình ảnh duy nhất ghi lại hoạt động phạm tội của chúng. Tổng cộng 13 tác phẩm nghệ thuật đã bị chúng lấy mất.

Lần theo manh mối

Vừa qua, Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã gửi dữ liệu ADN của hai tên cướp tới phòng thí nghiệm để tìm ra manh mối mới. Bản thân bảo tàng Isabella Stewart Gardner đã treo giải thưởng trị giá 5 triệu USD cho những người cung cấp thông tin giúp tìm thấy các bức tranh. Cơ quan công tố Mỹ thì đề nghị miễn truy tố những tên cướp. “Mục tiêu của chúng tôi là lấy những bức tranh về” – Công tố viên trưởng Carmen Ortiz nói – “Nếu ai đó có thông tin hoặc đang sở hữu các bức tranh, chúng tôi có thể thương thảo quyền miễn trừ truy tố”.

Cơ quan điều tra đã phủ nhận một số giả thuyết phổ biến nhất, trong đó nói rằng các họa phẩm bị lấy đi bởi một tỷ phú chuyên sưu tầm nghệ thuật. Có lúc người ta cho rằng có bàn tay của gã gangster nổi tiếng Boston Whitey Bulger nhúng vào vụ này. Tuy nhiên FBI tin rằng những tên cướp có vẻ như nằm trong nội bộ bảo tàng bởi chúng tỏ ra thông thuộc với cách tổ chức an ninh nơi đây. Thậm chí chúng còn vô hiệu hóa và lấy đi một thiết bị vốn có thể tự báo động cho cảnh sát trong trường hợp các nhân viên bảo vệ bị kẻ xấu khống chế.

Nhân viên FBI Geoffrey Kelly, người đã có 8 năm theo đuổi cuộc điều tra, cho rằng bọn cướp vẫn đang giữ các bức tranh và chưa hủy hoại chúng. “Tôi sẽ rất bi quan nếu các bức tranh giống như những loại hàng hóa khác. Nhưng với các họa phẩm, việc mất tích trong thời gian dài không phải là chuyện quá đỗi bất thường” – Kelly nói.

Với Amore, nhận định của FBI càng củng cố cho quyết tâm của ông trong việc tìm kiếm và thu hồi các bức tranh bị mất. “Tôi không có chút nghi ngờ gì về việc rồi chúng tôi sẽ thu hồi được tranh. Chúng tôi không từ bỏ một nỗ lực nào trong hành trình đạt đến mục tiêu tối thượng này” – ông thổ lộ.

Tường Linh
Theo TTVH

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.