Ví trẻ em như “búp trên cành”, búp non mọc thẳng hay mọc cong phụ thuộc hoàn toàn vào sự giáo dục của cha mẹ. Nếu trẻ bị đánh mắng nhiều sẽ dễ cảm thấy xấu hổ, mặc cảm hoặc có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Điều cơ bản nhất trong việc xây dựng tính kỷ luật cho con là giúp chúng có được một hạnh kiểm tốt, biết phân biệt điều đúng sai và linh hoạt trong cuộc sống, chứ không phải hành động như một cái máy.
Dưới đây là 10 cách gợi ý giúp cha mẹ xây dựng tính kỷ luật cho con:
1. Tính kỷ luật cần được hình thành từ rất sớm. Bắt đầu từ khi trẻ có nhận thức, hãy cho chúng hiểu điều gì chúng được phép và điều gì chúng không được phép làm. Mối quan hệ gần gũi giữa cha mẹ và con cái có vai trò vô cùng quan trọng trong giao tiếp và giáo dục. Bạn không thể kỳ vọng chúng học được những gì từ người lớn nếu như cha mẹ không tạo được mối quan hệ thật sự gần gũi với con.
2. Thiết lập các quy định và quy tắc với con. Chẳng hạn không được nhận tiền và nhận quà của người khác khi không đựơc sự đồng ý của bố mẹ. Không được phép đi với người lạ… Không được tự ý đi đâu nếu không xin phép bố mẹ… Tuy nhiên hãy đảm bảo rằng những nguyên tắc này thật sự dễ hiểu và dễ nhớ với chúng.
Đừng làm cho trẻ sợ hãi và hạn chế sử dụng đòn roi.
3. Đừng làm cho con bạn “quá tải” với quá nhiều quy tắc. Ngay một lúc trẻ sẽ không thế nhớ ngay toàn bộ những quy tắc bạn đặt ra. Hãy để trẻ nhớ dần dần, dạy trẻ qua những tình huống cụ thể.
4. Giải thích về hậu quả của việc không làm theo các quy tắc và nói cho chúng biết rõ các hình phạt sẽ được áp dụng nếu chúng không nghe lời và phá vỡ nguyên tắc đặt ra.
5. Hãy tạo ra sự rõ ràng và thống nhất trong việc thực hiện các quy tắc. Một lần ngoại lệ nào đó sẽ khiến chúng nghĩ làm sai điều gì đó cũng chẳng có gì ghê gớm cả. Cha mẹ sẽ bỏ qua cho chúng lần này lần khác hoặc chúng có thể thuyết phục được cha mẹ không trừng phạt chúng. Như vậy tất cả các nỗ lực xây dựng kỷ cương và nguyên tắc của bạn sẽ bị đổ bể.
6. Các nguyên tắc đặt ra phải thật sự công bằng giữa trẻ và các anh chị chúng, để chúng hiểu rằng đó là nguyên tắc mà tất cả mọi người đều phải thực hiện không có sự khác biệt. Cha mẹ và các phụ huynh khác trong gia đình cần thống nhất quan điểm và phương pháp giáo dục.
7. Cha mẹ cần phải linh động. Có những quy định và quy tắc chỉ thích hợp áp dụng khi trẻ còn nhỏ, các quy định cần phải khác hoặc trẻ cần phải được tự chủ và độc lập hơn. Khi đó hãy cho trẻ cùng tham gia vào quá trình xây dựng các nguyên tắc. Trẻ sẽ ít phá vỡ nguyên tắc hơn vì chúng đã được tham gia để xây dựng nên nó. Trẻ cũng hiểu rằng cha mẹ đã rất công bằng với chúng, không áp đặt.
8. Hình phạt hiệu quả nhất không phải là mắng mỏ hay đòn roi mà hãy phạt vào chính quyền lợi của chúng đối với vấn đề đó. Ví dụ khi bạn đưa ra quy định chỉ được xem tivi đến 7h tối, sau đó phải đi học bài, nghĩa là các con bạn không được phép xem tivi quá giờ quy định đó. Nếu chúng vi phạm bạn sẽ không cho chúng xem tivi trong vòng một tuần…
9. Kỷ luật không phải là trò chơi tranh giành quyền lực, không đặt ra vấn đề thắng thua. Bạn mong con nghe lời, thực hiện một cách tự giác những kỷ luật đã được đặt ra, con bạn cũng mong muốn bạn công bằng. Hãy cho con quyền nói ra những bất đồng hoặc ý kiến riêng của chúng. Ví dụ khi bạn cho rằng chúng đã làm sai việc gì đó nhưng chúng có những lý do riêng. Hãy cho chúng trình bày các lý lẽ của chúng, rồi sau đó mới phân tích cho chúng hiểu cái gì đúng các gì sai.
10. Cha mẹ cần thiết phải phạt con khi chúng làm sai nhưng cũng phải biết cách động viên cổ vũ con khi chúng làm một việc gì đó tốt. Trẻ con rất thích được khen ngợi và muốn được cha mẹ và người khác công nhận trẻ những gì chúng làm đựơc. Một sự giáo dục toàn là chỉ trích sẽ không công bằng với chúng. Chúng sẽ hiểu rằng cha mẹ ghét chúng và luôn tìm ra những điểm không tốt của chúng mà thôi.
(Theo Gia đình & Xã hội )