Tôi đã không gọi bà bằng “Mẹ” theo ý cha giống như các em. Ngày qua ngày, tôi hạn chế tiếp xúc với bà. Ngoại trừ ngày ba bữa cơm bắt buộc phải chạm trán nhau, thời gian còn lại tôi sống khép mình trong thế giới của riêng tôi. Tôi lấy lý do bận ôn thi cuối cấp và phó mặc mọi công việc nhà cho mẹ kế. Tôi đã đốt bức ảnh chụp chung với bà hôm cha và bà cưới nhau. Vì điều này tôi bị cha đánh một trận rất đau. Tôi thêm hận bà, cho rằng bà còn là kẻ lắm chuyện chuyên “mách lẻo”.
Rồi tai hoạ đột ngột ập xuống gia đình tôi. Cha tôi bị bệnh cao huyết áp, sau một lần đột quỵ, cha liệt nửa người, miệng méo không nói được. Một nửa thân bên trái hoàn toàn tê liệt, không thể điều khiển được. Mọi sinh hoạt của cha đều diễn ra trên giường. Tôi đã rất sợ hãi, lo lắng và cảm thấy hoang mang khủng khiếp. Đó là giai đoạn đầy thử thách đối với tôi, khi vừa chăm cha ốm, vừa phải chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học sắp tới.
Nhưng mẹ kế đã giành lấy mọi gánh nặng công việc, từ thuốc thang, chăm sóc cha cho tới lo lắng mọi chuyện trong nhà. Bà động viên tôi cố gắng ôn thi thật tốt. Bà bảo đó là liều thuốc kỳ diệu giúp cha khỏi bệnh nhanh nhất. Bà an ủi tôi: “Đừng lo lắng, rồi cha sẽ khoẻ lại” trong khi nhiều đêm chợt thức giấc, tôi thấy bà ngồi tựa cửa lặng lẽ khóc một mình.
Tôi đốt cháy mình trong sự giằng xé nội tâm khốc liệt, giữa cái tôi bướng bỉnh và trái tim thổn thức tình thương đang trỗi dậy cồn cào. Tôi không còn thấy ghét bà, và bắt đầu thấy thiện cảm với hai từ “mẹ kế”.
Tôi vượt qua xuất sắc hai kỳ thi khốc liệt nhất. Ngày cầm giấy báo trúng tuyển đại học, tôi mừng rỡ khoe với cha trong niềm tự hào xen lẫn nỗi lo lắng không biết mình có được tiếp tục học lên đại học trong tình cảnh gia đình khó khăn. Cha tôi tự hào lắm, miệng cha mấp máy lời chúc mừng đứt quãng, nước mắt mừng vui, hạnh phúc lăn dài trên gò má. Tôi ôm lấy cha trong niềm yêu thương nhói lòng.
Cùng với quyết định của cha và quyết tâm của mẹ kế, ước mơ bước chân vào giảng đường đại học của tôi được chắp cánh. Tôi từ biệt cha, hai em và mẹ kế để ra Bắc nhập trường. Giây phút chia tay, tôi nắm chặt bàn tay nhỏ bé của mẹ kế, ánh mắt rưng rưng gửi gắm bao điều muốn nói. Mẹ kế ôm tôi vào lòng: “Con cứ yên lòng học cho tốt. Mọi việc ở nhà đã có mẹ rồi”. Tôi gật đầu vội vàng cất bước trước khi nước mắt tuôn trào.
Một học kỳ trôi qua thật dài. Tôi vừa học, vừa kiếm việc làm thêm để đỡ đần cho gia đình. Mỗi khi tôi gọi điện về nhà, mẹ kế lại động viên và an ủi tôi cứ yên tâm học thật tốt. Thấm thoắt đã tới ngày nghỉ Tết, tôi háo hức chuẩn bị về nhà.
Xuống xe, tôi tha thẩn đi bộ. Vào tới đầu ngõ, tôi sững lại khi nhìn thấy cha đang tấp tểnh bước đi trước sân. Bên cạnh cha, mẹ kế đang làm cổ động viên kiêm y sỹ. Quá xúc động, tôi lại khóc, nước mắt của sướng vui, hạnh phúc, của lòng biết ơn, sự cảm kích sâu sắc đối với người mẹ không máu mủ ruột rà nhưng mang nặng ân tình.
Tôi bước vội tới, ôm chầm lấy cả hai người. Lần đầu tiên trong đời, tôi gọi vợ của cha bằng tiếng “Mẹ!”. Đó là một cái Tết chan hòa niềm yêu thương, một cái Tết hạnh phúc nhất kể từ ngày mẹ tôi qua đời.
Còn mấy ngày nữa thôi là tới 8/3. Tôi không có cơ hội ở nhà cùng các em mua tặng mẹ kế những bông hoa thật tươi, thật rạng rỡ để tỏ lòng biết ơn bà. Nơi xa, tôi xin được trải lòng mình qua trang viết thay cho lời cảm ơn. Cảm ơn người mẹ không có công sinh thành nhưng đã thay mẹ tôi dạy cho chúng tôi những bài học quý giá trong cuộc sống.
Trang_vo
(theo dantri)