Năm con gái đầu vào lớp 1, tôi sinh đứa thứ hai. Từ khi có em, con gái tôi bắt đầu tự lập, từ việc học hành, ăn uống, cho đến cả tự túc đi học (nhà gần trường, cháu đi bộ).
Tính cháu như thế nên khi cháu đi học xa nhà, tôi gần như chẳng lo lắng gì. Cháu tự nấu ăn, di chuyển chỗ trọ (đến mấy lần), làm thêm… mà không cần đến sự hỗ trợ của cha mẹ. Giờ cháu sắp ra trường, chúng tôi cũng không lo lắng lắm đến việc cháu sẽ làm gì. Thậm chí cháu còn trấn an ba mẹ: “Tốt nghiệp xong, con sẽ kiếm việc làm và học tiếp”.
Con trai sau của tôi trái ngược hoàn toàn với chị. Ngay từ nhỏ, chồng tôi đã chủ trương “úm” cháu với quan điểm: con trai không quản sợ hư! Chồng tôi không cho cháu đi chơi đâu hết, tập đi xe đạp anh cũng không cho, sợ ra đường xe tông! Đi làm về là anh dắt cháu đi rửa chân, tay, lấy khăn ướt lau mặt cho con… Mãi đến năm lớp 8 thấy con trai cao gần bằng mình, anh mới thôi. Tối nào anh cũng nhắc cháu đánh răng, mắc mùng, treo quần áo… Giờ cháu học lớp 9, học thêm nhiều môn, nhưng lúc nào tôi cũng phải đưa đi, đón về. Nếu không ai đưa đón, cháu chấp nhận đi bộ dù đến 2, 3km, chứ không dám đi xe về chung với bạn… Hôm vừa rồi, bạn cháu đến nhà rủ đi chơi. Tôi khuyến khích cháu đi, nhưng chồng tôi lại do dự. Cuối cùng, khi cháu đi rồi, anh quay sang cự tôi, tại sao cho con đi như vậy, đường đông đúc xe cộ, đi lớ ngớ dễ gặp tai nạn. Anh khiến tôi cũng không còn tự tin khi quyết định thả con ra đường. Đến khi cháu về nhà, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
Tóm lại, không hiểu do “úm” con kỹ quá hay là do không tập cho con biết tự lập mà những thiếu sót của cháu giờ đây có thể liệt kê một danh sách dài (hoàn toàn trái ngược với chị cháu) như: rất sợ gián và nhiều loại côn trùng khác; đi xe đạp không vững, đi một đoạn nếu không đụng vào người khác thì người khác cũng đụng mình; không biết tự giặt quần áo, những việc lặt vặt trong gia đình làm rất vụng về, lúc nào cũng lóng ngóng, đụng đâu hư đó…
Tôi đang rất lo lắng về kỹ năng sống của con trai. Hôm sơ kết lớp cháu, tôi có tham dự và thấy nhiều bạn bè của cháu rất… tài năng. Một bạn lên biểu diễn võ thuật, một bạn lên hát (rất hay), một bạn biểu diễn beat box (một loại hình nghệ thuật dùng miệng mô phỏng âm thanh), một bạn nhảy hip hop, mấy bạn lên biểu diễn thời trang… Nhìn lại con mình, dù là học sinh giỏi, được cô giáo khen là siêu toán của lớp, tôi vẫn thấy cháu thua sút các bạn. Nếu các bạn kia trông rất nam tính, mạnh mẽ thì con tôi lại… “thư sinh” quá mức!
Giờ đây chồng tôi mới biết sợ vì đã “úm” con quá kỹ. Tuy nhiên, giải pháp anh đưa ra chỉ là bắt cháu tập xà và hít đất buổi sáng, còn việc cho cháu đi xe đạp anh vẫn do dự. Tôi cũng lo, vì sang năm cháu vào lớp 10, các trường cấp III đều cách xa nhà. Còn học thêm nữa. Lỡ cả hai vợ chồng đều đi công tác làm sao cháu xoay xở? Một điều nữa là cháu rất ít bạn bè. Thời gian rảnh, thay vì đến nhà bạn chơi, cháu lại ngồi vào máy vi tính, coi phim, chơi điện tử, nghe nhạc… một cách đơn độc.
Tôi không hiểu có phải do “úm” con mà giờ đây con mình đã thành “gà công nghiệp” chính hiệu hay không?
Từ chính hai con mình, tôi đúc kết: “úm” hay “thả” là tùy tính nết của con và tùy môi trường sống. Nếu con có bản lĩnh nên “thả”, nếu con nhút nhát cha mẹ cũng không nên “úm” mà phải dắt tay con “thả” từ từ. Đừng sợ “thả” ra con sẽ hư, vì nếu không cho xuống nước thì làm sao biết bơi? Tuy nhiên, “úm” hay “thả” đều cần có sự quan tâm của cha mẹ một cách tế nhị, sao cho con cái trong tầm kiểm soát mà vẫn được thoải mái!
Theo Tâm Duy
PNO