Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ không được sống bên cạnh cha. Cha mẹ ly hôn, cha đi công tác xa, cha mất sớm và có trường hợp người mẹ chọn cách một mình nuôi con.
Sự vắng mặt của người cha trong ngôi nhà sẽ không tạo thành chỗ trống quá lớn nếu người mẹ biết cách nuôi dạy và dành tình thương cho con (Ảnh minh họa).
Trong những trường hợp như vậy, làm thế nào để xóa đi những khoảng trống trong đời sống tinh thần của trẻ? Hãy lắng nghe tâm sự của những người mẹ.
Chị Nga: Chúng tôi chia tay nhau hơn hai năm qua. Ban đầu, cháu vùng vằng không đồng ý bố một nơi mẹ một nơi, nhưng tôi đã thuyết phục đứa con gái tám tuổi của mình hiểu rằng, sống xa nhau như thế bố mẹ thấy thoải mái và giữ được mối quan hệ với nhau tốt hơn. Mỗi tuần bố cháu đến thăm con, đưa con đi chơi. Những khi đó, tôi để hai bố con được ở riêng để nói chuyện cho thoải mái. Sau này, khi bố không đến nhiều như trước nữa, con tôi tỏ vẻ buồn bã. Tôi phải nói với con rằng, bố phải đi làm ăn xa, không có điều kiện thường xuyên về thăm con. Tôi quyết định ly hôn để con không phải nhìn thấy những gì không mấy làm hay ho trong ngôi nhà. Sau khi ly hôn, tôi dành sự quan tâm cho con nhiều hơn. Dù chia tay, tôi vẫn luôn tìm những điểm tốt đẹp ở bố để ca ngợi trước mặt con.
Chị Hồng: Bố cháu mất khi cháu mới lên 10 tuổi. Tôi không giấu cháu sự thật. Nhìn vẻ mặt buồn bã của cháu, nước mắt tôi cứ chảy ra. Hai mẹ con thành bầu bạn, cùng chia sẻ nỗi buồn. Tôi dùng những hiểu biết ít ỏi của mình về thế giới tâm linh để giải thích một cách đơn giản nhất cho con hiểu rằng, bố ra đi nhưng linh hồn vẫn bên cạnh con. Tôi tạo nên sự “có mặt” của bố cháu qua những câu chuyện, những kỷ niệm… liên quan đến bố. Mỗi lần cháu làm được việc gì đó, tôi lại khuyến khích “biết được việc này hẳn bố vui lắm đó”. Trong trí óc con, bố luôn hiện hữu, qua những lời mẹ nói.
Chị Minh: Chồng tôi đi công tác xa thường xuyên, lúc vài tháng có khi cả năm. Để các con cảm nhận được rằng, dù không ở bên cạnh nhưng bố rất yêu, quan tâm các con, tôi cũng nhắc anh thường xuyên gọi điện thăm hỏi, kể về cuộc sống hàng ngày của mình cho con. Những ngày anh được về phép, tôi nhường bố cháu đưa đón các con đến trường, đi chơi, chụp ảnh kỷ niệm, mua sách vở, quần áo… Tất cả giúp các cháu cảm nhận được bố luôn bên cạnh và không cảm thấy tủi thân. Tôi cũng tin các con tôi hiểu chúng có một người bố rất yêu thương và cố gắng dành thời gian cho con, qua việc chúng quấn quýt bố mỗi khi có cơ hội gặp.
Chị Thương: Chẳng ai muốn làm mẹ đơn thân cả, nhưng vì hoàn cảnh riêng, tôi đành chấp nhận. Nuôi con một mình khá cực nhọc. Việc cân bằng các nhu cầu của mình và của con cũng thật khó khăn. Người mẹ “hai trong một” tự mình quyết định mọi việc cho con, tất nhiên phải chịu nhiều áp lực. Xác định như vậy nên từ khi còn mang bầu, tôi đã tìm đọc rất nhiều sách, báo nói về cách nuôi dạy, chăm sóc con. Ngoài ra, tôi còn nhờ bạn bè hướng dẫn để hạn chế thiệt thòi của con. Vai trò của người cha là nhân tố cần thiết trong quá trình hình thành tính cách của con. Tôi “bù” vào chỗ thiếu hụt đó bằng những người đàn ông khác. Đó là ông ngoại, các cậu. Sự gần gũi, quan tâm của những người này có thể tác động vào quá trình trưởng thành của con. Ngoài ra, tôi còn tìm những cuốn sách viết về những gương thành đạt, vượt qua nghịch cảnh đọc cho con nghe, để dần hình thành cho con đức tính mạnh mẽ, biết nỗ lực vươn lên.
Với những biện pháp linh hoạt, mềm mại như trên, sự vắng mặt của những người cha trong ngôi nhà sẽ không tạo thành chỗ trống quá lớn. Tin rằng, những đứa con của họ sẽ không quá thiệt thòi khi không có cha bên cạnh.
(Theo Báo Phụ nữ)