Ngay đầu thấy con mình có tình cảm sâu đậm với H., chàng trai có nếp sống phóng túng cùng địa phương, gia đình chị V. đã không ưng thuận, nhiều lần phân tích thiệt hơn, nhưng chị vẫn tin vào sự lựa chọn của mình.
Thực tế, sau hơn 10 năm “nương bóng tùng quân”, chị V. gần như bất lực trước “cá tính” của chồng. Có với nhau đã bốn mặt con, nhưng anh sống như một người khách trọ. Những lần vợ “nằm ổ” đã có… bên vợ lo, con cái lớn lên thì… “trời sinh voi sinh cỏ”. Anh cứ mải mê thong dong “trên từng cây số” với các chuyến hàng và với cả những chuyện “tiền trao cháo múc” cùng các cô gái buôn hương.
Tiền kiếm được, thi thoảng anh mới đưa về cho vợ, nhưng đưa một thì lấy lại năm, ba là chuyện thường. Thậm chí có lần anh gây tai nạn, chị phải chạy vay khắp nơi để bồi thường. Sau lần đó, anh tỏ ra ăn năn, sửa mình, biết lo toan việc nhà cửa, dạy dỗ các con. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, “ôm vô-lăng” trở lại là anh quay về với con người cũ.
Chị V. tâm sự: “Thôi cái số mình khổ đã đành, chỉ thương mấy đứa nhỏ thiếu thốn tình thương và sự bảo ban của cha, nên học hành chẳng ra gì. Càng nghĩ càng buồn…”.
Hai vợ chồng chị T.T.L. đều là công chức, nhưng chị vẫn lâm cảnh… đơn thân lo toan cho cuộc sống gia đình, vì anh cũng thuộc “tạng” người rất mực… vô tư. Cứ hết giờ làm việc ở cơ quan là anh tạt vào một quán bia nào đó cùng nhóm bạn, bù khú đến tối mịt mới đảo xe về. Tuy không đến nỗi “quắc cần câu”, lăn lê bò toài “mất thể diện”, nhưng hạnh phúc gia đình cũng theo những cuộc nhậu của anh mà dần xa. Một nách hai con, vừa lo việc cơ quan vừa cơm nước giặt giũ, hầu hạ mẹ chồng và cả ông chồng vô lo khiến chị T.T.L. càng lúc càng thấy oải.
Anh T.V.T. vốn là con trai duy nhất trong gia đình có mấy chị em nên từ nhỏ đã được nuông chiều, cung phụng. Cưới vợ, sinh con, anh vẫn thế, vẫn nhàn nhã với những thú vui riêng như cờ tướng, nhạc, phim… Khi nhà còn khá giả thì không đến nỗi nào, đến lúc kinh tế gia đình tuột dốc, anh cũng chẳng chịu thay đổi nếp sống công tử của mình, cơm áo gạo tiền vẫn phó mặc cho… cha mẹ và vợ.
Cha mẹ thì già yếu, chị em có chi viện cũng nhỏ giọt, nên vợ anh giật gấu vá vai, vất vả chạy chợ mỗi ngày. Hai đứa con nhỏ “tự cứu”, nay chạy sang nhờ cô Hai, mai lại cậy cô Út, dì Năm… Hỏi anh tính thế nào trước cảnh nhà như vậy, anh trả lời xuôi xị: “Cùng lắm, chắc phải… bán ngôi nhà này đi, kiếm chỗ khác ở, dôi ra một số tiền…”. Rồi sau đó thì sao? Không có câu trả lời.
Người ta đã lạm dụng cụm từ “bản lĩnh đàn ông thời nay…” để mời gọi “quý ông” đến với một loại bia, nhưng đó chỉ là chuyện của mấy nhà làm quảng cáo. Bản lĩnh đàn ông thời nào cũng vậy, là phải thể hiện được mình là trụ cột, là chỗ dựa vững chắc, là tấm gương cho con, là niềm tin của vợ. Bằng ngược lại, họ chỉ là những cây cột vẹo xiêu, những cái nóc thủng toác, chẳng đáng để ai tin cậy.
Những người phụ nữ lỡ vướng vào hoàn cảnh tương tự hoặc cắn răng chịu đựng, hoặc phải tự giải thoát cho mình dù cách nào cũng chẳng tốt đẹp. Biết làm thế nào để “cái nóc” vô tư ấy điều chỉnh lại?
Theo Trương Ngọc
PNO