Bé Bon (20 tháng tuổi) rình lúc bà nội không để ý là xông ra ngoài, bẻ trộm cây cảnh nhà hàng xóm. Nếu thấy nhà bên cạnh mở cửa, bé liền xộc vào, tóm chặt cốc uống nước, chìa khóa hay điều khiển tivi, mang về nhà mình, ai giằng lại cũng không được.
Chi kể, đưa con đi chúc Tết, bé Bon chào hỏi rồi “ạ” rất nhanh. Tuy nhiên, mắt trước, mắt sau là bé xông vào vặt quất, giật hoa đào rồi nhét đầy hai túi áo, túi quần. Nói nhẹ thì con lắc đầu: “Không, không”, nặng lời thì con lăn ra đất, đạp chân phành phạch, rồi cắn, rồi cấu mẹ. Thấy mấy bé cũng tầm tuổi con mình nhưng ngoan ngoãn, người lớn nói gì cũng “vâng” mà Chi phát… thèm.
Giống Chi, Trâm (Từ Liêm, Hà Nội) kể, ngày nào cô cũng khản giọng vì quát con. Bé trai 22 tháng tuổi nhà Trâm cứ thấy bố mẹ làm gì là sà vào, đòi làm theo. Thấy bà nội uống thuốc thì giãy giụa đòi mở hộp thuốc ra uống. Thấy mẹ xách phích nước nóng thì đòi xách hộ.
Đến bữa cơm, bé cứ đòi tự dùng thìa xúc cơm từ nồi cơm điện. Quát thì con cáu giận, gào thét, còn vung thìa nhựa suýt vào mặt mẹ. Lúc bực quá, Trâm “tét” cho con vài cái vào mông thì con hờn dỗi, khóc ỉ ôi cả giờ đồng hồ. Nước mắt nước mũi giàn giụa rồi ho sặc sụa, nôn ọe… khiến mẹ cũng sợ.
Còn bé Tôm (18 tháng tuổi, quận 6, TP HCM) thích khám phá theo kiểu, thấy chỗ nào có nước, có lỗ hay có vật đang quay quay cũng phải sờ tay vào thử. Sợ con gặp nạn, Nhi (mẹ bé Tôm) dán băng dính vào tất cả các ổ điện trong nhà. Với bát canh nóng thì vừa ngồi ăn, vừa canh con.
Nhi cảnh cáo: “Canh nóng. Con sờ vào là phải đi tiêm đấy” thì bé Tôm cười hồ hởi, rồi sấn tới bát canh, đòi chọc tay vào. Thấy cái quạt đang quay, bé cứ nhằm lúc mẹ ngủ để thò ngón tay vào trong. Một lần, thấy con khóc thét do chọc tay vào cánh quạt, Nhi tưởng lần sau con sẽ chừa. Nhưng lần sau, Nhi đã thấy con tò mò, mân mê bên cánh quạt.
Bé đang tuổi khám phá thế giới
Giai đoạn 1-2 tuổi, các bé tò mò và muốn khám phá cuộc sống xung quanh. Do chưa đủ nhận thức nên quá trình khám phá của bé thường đi lệch hướng. Nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực khi cố ngăn con không phá cái nọ, nghịch cái kia… Đó cũng là lúc, người lớn dễ nổi nóng và đánh mắng bé.
Để dạy được con, cần nhìn thế giới trong lăng kính của con. Trong suy nghĩ của bé, mọi thứ đều mới mẻ và lạ lẫm nên cần phải sờ thử mới đánh giá được. Các bé rất hào hứng được thọc tay vào mọi thứ hoặc vớ được đồ vật nhìn cũng bỏ vào miệng. Thứ hai, do bé đang dần bộc lộ cái tôi nên thích làm theo ý mình. Thứ ba, do chưa đủ nhận thức nên bé không thể biết, sờ tay vào ổ điện sẽ bị điện giật, sờ tay vào nước sôi thì bị bỏng…
Cha mẹ đừng nghĩ con nghịch ngợm, không nghe lời là con hư. Tò mò, ương bướng là tâm lý phát triển bình thường ở bé. Nếu liên tục ngăn cản, quát mắng, đánh đập thì vô tình đã cản trở bé khám phá cuộc sống. Hơn nữa, càng cấm thì bé càng tò mò. Nếu phụ huynh lớn tiếng: “Không được chạy”, “Không được sờ vào đó”… thì y như rằng, bé sẽ làm ngược lại. Bé vui thích vì được tự mình trải nghiệm hơn là nghe cảnh cáo từ người lớn.
Giải thích thì bao giờ cũng tốt hơn cấm đoán suông; chẳng hạn, “Thuốc này của bà. Không uống được con ạ. Uống hết thuốc của bà là bà bị ốm đấy”. Ngay sau đó, đánh lạc hướng bằng một trò khác vui hơn, như: “Lấy bóng để hai mẹ con mình đá nào” hoặc “Ơ, trong túi bố có cái gì thế?”… Bé sẽ quên được đòi hỏi vừa rồi. Với bé ít tuổi hơn thì việc giải thích dài dòng không hiệu quả. Có thể đưa bé lại gần bát canh nóng hay cái quạt và cảnh báo: “Nóng, không sờ, đau” hoặc “Quạt, không sờ, đau”.
Những hoạt động vui chơi khác an toàn thì cha mẹ không cần cấm đoán con thái quá. Chuyện nghịch nước hay nghịch cát trong công viên không xấu và không cần phải cách ly.
Cuối cùng, chuyện dạy dỗ con luôn đòi hỏi kiên trì và nhất quán. Không phải chỉ vài lời giải thích, bé đã hiểu và tiến bộ ngay.
(Theo Mẹ và bé)