Nỗi niềm người… từ chối
Chị Ngọc, ở Thủ Đức, TP.HCM chán ngán: “Lúc chung sống còn chẳng đưa vợ xu nào nuôi con, huống gì khi đã ly hôn. Tôi hiểu rõ anh ấy nên tốt nhất là chủ động không yêu cầu cấp dưỡng”. Luật sư giải thích, chị Ngọc đúc kết ngay “kinh nghiệm” của mình: “Yêu cầu thì cũng có thi hành được đâu luật sư ơi!”. Để chứng minh, chị kể: “Tôi có người bạn, khi ly hôn tòa án quyết định để người mẹ nuôi con, người cha phải cấp dưỡng nuôi con hai triệu đồng mỗi tháng. Sau khi ly hôn, người cha chỉ cấp dưỡng được vài tháng, rồi tháng có tháng không, cuối cùng thì chuyển chỗ nhiều nơi, cơ quan thi hành án xem như… bó tay! Hơn một năm nay, bạn tôi phải gồng mình nuôi con”.
Lắm “chiêu” né cấp dưỡng
Chị T.H. ở TP. Mỹ Tho đã gửi thư cho luật sư xin tư vấn về việc chị bị chồng dùng “khổ nhục kế” để trốn tránh cấp dưỡng nuôi con. Trong thư có đoạn: “Hay tin tôi làm đơn xin ly hôn, chồng tôi đang làm việc trong một công ty có thu nhập ổn định đã âm thầm làm đơn xin nghỉ việc, vì lý do “sức khỏe”. Qua tìm hiểu, tôi biết, anh làm vậy chỉ để lẩn tránh việc cấp dưỡng nuôi con, vì anh nghe ai đó nói, khi ly hôn, nếu không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng nuôi con bằng 30% mức lương (!?)”.
Chị Út, nhà ở Q.Bình Tân, TP.HCM, có chồng đang công tác trong ngành bưu điện, cho biết tổng thu nhập các khoản của chồng chị gồm lương, tiền thưởng… khá cao, nhưng khi ly hôn, trước tòa, chồng chị chỉ khai mức lương cơ bản khoảng hai triệu đồng một tháng. Với mức lương đó, cán bộ tòa án nói với chị, mức cấp dưỡng cho con chỉ khoảng 600.000đ mỗi tháng. Tòa án còn hướng dẫn chị để được cấp dưỡng nuôi con cao hơn, chị phải chứng minh được mức thu nhập của chồng. Cơ quan chồng chị đang làm việc không chịu hợp tác, chị đành thua.
Anh Tr. nhà ở Q.2 biết vợ mình sau khi ly hôn sẽ trắng tay, khó khăn về kinh tế, trong khi anh và gia đình thì giàu có nên ra điều kiện: “Một là cô để tôi nuôi hết hai đứa con, tôi sẽ không yêu cầu cô cấp dưỡng. Nếu cô giành nuôi con thì tôi cũng không cấp dưỡng”. Với “chiêu” này, anh Tr. đã thành công là không phải cấp dưỡng nuôi con, vì chị B. – vợ anh, dù khó khăn nhưng do quá thương con và… tự ái vì gia đình chồng khi dễ mình, nên đã không “thèm” tiền cấp dưỡng của người cha.
Dựa trên quy định này, ngày 23/12/2000, Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02 hướng dẫn: Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì tòa án cần giải thích cho họ hiểu, việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý. Về phương thức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
Như vậy, pháp luật đã có những quy định rất rõ ràng về cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn. Theo đó, không thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng hay từ chối, hoặc chủ động không yêu cầu cấp dưỡng thì đều là vi phạm pháp luật.
Khi ly hôn, hai bên sẽ chấm dứt mối quan hệ vợ chồng, nhưng quan hệ giữa cha, mẹ và con vẫn tồn tại và kéo dài cho đến suốt đời, nên sẽ không bao giờ có chuyện “chấm dứt” mọi chuyện, hoặc không “dính líu”, không “ràng buộc”! Việc tự ti mặc cảm, cho rằng nhận cấp dưỡng là nhỏ mọn; việc thù ghét hoặc cay cú “đối phương”… mà không nhận chu cấp là những cách nghĩ hết sức sai lầm. Các hành vi từ chối, thoái thác, lẩn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của một số người vừa vi phạm pháp luật, vừa đáng lên án về mặt đạo đức. Cho dù không còn chồng vợ thì cũng còn là cha mẹ của con mình, hãy giữ một chút tình để có nghĩa về sau.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ
Phụ nữ