Từ ngày lấy Dũng, cô đã hy sinh hết mình để Dũng phát triển sự nghiệp. Cứ nghĩ đến câu nói: “Gái có công thì chồng chẳng phụ”, Nhung lại rớt nước mắt xót xa.
Nhung yêu Dũng và tôn thờ anh như một thần tượng. Với quan niệm, yêu là phải hy sinh không điều kiện, nên từ ngày yêu nhau, cô đã phục vụ Dũng như một người giúp việc thực thụ. Mỗi lần tới thăm Dũng là cô lao vào dọn dẹp, sắp xếp lại quần áo, chăn màn vì tính Dũng vốn bừa bãi, bạ đâu vứt đó.
Từ ngày yêu Nhung, nhà của Dũng luôn sạch sẽ, gọn gàng và anh chàng coi việc đến dọn dẹp, lau chùi nhà cửa của Nhung như là việc đương nhiên. Có lần Nhung góp ý thì Dũng cao giọng: “Anh có bắt em phải làm đâu? Tại em cứ thích mua việc vào người đấy chứ!” Sợ Dũng phật ý nên sau lần đó Nhung dù có ấm ức mấy nhưng cũng không dám phàn nàn nửa câu.
Người ta vẫn bảo “gái có công, chồng chẳng phụ”, vậy mà, chồng Nhung… (Ảnh minh họa)
Lấy nhau rồi mọi thứ vẫn không hề thay đổi. Để Dũng rảnh rang phát triển sự nghiệp, Nhung nghỉ hẳn việc ở cơ quan để ở nhà làm người giúp việc. Từ sáng tới chiều tối, cô tất bật với việc chợ búa, cơm nước đến giặt giũ quần áo. Sau khi sinh con, Nhung lại càng đầu tắt mặt tối hơn.
Bạn bè đến chơi, thấy Nhung vất vả, khuyên cô nên tìm thuê người giúp việc để đỡ đần việc nhà nhưng Nhung bảo làm vợ thì phải biết hy sinh. Tâm niệm trong đầu như thế nên Nhung chấp nhận mọi thiệt thòi, kể cả chuyện nhan sắc, sức khoẻ của cô ngày càng xuống cấp, trong khi đó, Dũng lúc nào cũng thảnh thơi như một anh chàng độc thân.
Chung sống với nhau được 5 năm thì Nhung phát hiện ra chồng cặp kè một một cô ở cùng cơ quan. Khi phát hiện ra điều này, Nhung tưởng mình phát điên. Từ ngày yêu và đến khi đã làm vợ Dũng, cô đã hy sinh tất cả cho chồng, cho con với ý nghĩ Dũng sẽ hiểu và trân trọng sự hy sinh ấy của cô nhưng hoá ra anh là một người ích kỷ, chỉ biết có mình. Thấy vợ vất vả với việc nhà, thay vì chia sẻ, gánh vác với cô thì anh lại bỏ mặc để đi tìm thú vui riêng. Đã từ lâu vợ trong con mắt anh chỉ như người ăn, kẻ ở, giúp anh chăm con, dọn nhà.
Quả thật trong tình yêu cần có sự hy sinh và cái giá của nó là không thể tính toán được. Tuy nhiên Nhung không hiểu rằng cho đi và nhận lại trong ý nghĩa tinh thần của tình yêu bao giờ cũng phải ngang bằng nhau thì cả hai người mới tìm thấy hạnh phúc thật sự. Nhung đã yêu hết mình nhưng vì yêu mà cô quên mất bản thân mình, và hậu quả là Dũng có người khác. Khi gia đình nhỏ đang đứng ở bờ vực của sự đổ vỡ, Nhung mới hiểu ra rằng sự hy sinh của cô là mù quáng. Nhưng bây giờ thay đổi thì liệu có phải là đã quá muộn?