Cúc là con gái xứ Trảng Bàng, Hoàng là “công tử” ở thị xã Tây Ninh, họ quen nhau thời sinh viên. Sống xa nhà, hai người sớm tìm được tiếng nói cảm thông bởi có nhiều điểm tương đồng về hoàn cảnh gia đình, quan điểm sống, trình độ học vấn và cùng là con đầu lòng.
Chỉ khác mỗi cái Hoàng là dân gốc Bắc. Nhưng tình yêu của tuổi trẻ đã san bằng những khoảng cách. Con gái xứ Trảng có tiếng đảm đang, chịu cực chịu khổ. Cúc lại xinh xắn, nhỏ nhẹ, nói năng đâu ra đó nên lúc Hoàng đưa Cúc về nhà, cô được bố mẹ và các em Hoàng rất thương quý.
Kiệt sức làm dâu
Nhưng đó là chuyện trước ngày cưới. Chỉ sau ngày cưới, mọi sự thật mới bày ra làm Cúc lo âu nhưng không dám hở môi. Ngay sau hôm cưới, Cúc đã được bố mẹ chồng gọi lên nói chuyện về cách ăn nết ở trong nhà và dặn dò: “Nhà mình sống nền nếp, đàng hoàng. Con phải làm sao cư xử cho đúng mực, giữ gìn gia phong cho gia đình chồng vì người trong nhìn ra người ngoài trông vào, nghe chưa?”.
Cúc vâng dạ mà thấy hai vai mình trĩu nặng bởi một cái gánh vô hình. Những câu nói lề xưa nay cô vẫn nghe “lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng” là đây sao? Hoàng động viên vợ cứ gắng lên một chút, không sao đâu. Nhà ở thị xã, bố lại còn đương chức, cả hai vợ chồng còn phải đi làm, chắc mọi việc không đến nỗi…
Cúc đâu biết, tuy là trưởng nam nhưng từ nhỏ, Hoàng đã là một “cậu ấm”. Mọi việc từ suy nghĩ đến hành động của Hoàng đều được mẹ “rước” hết cả, nên anh chàng chẳng biết gì đến việc trong nhà, từ chuyện giao tế đến chuyện cần đến sức mạnh đàn ông, khiến Cúc càng lúc càng thấy cái gánh nặng ngàn cân đó chẳng ai chia sẻ.
Cúc không quên “trận” đầu tiên khi về nhà chồng. Chỉ một tuần sau ngày cưới là nhà có giỗ. Nói là làm đơn sơ thôi mà mẹ chồng đã tính đến… mười mấy mâm! Nhà chồng có truyền thống là ở nhà tự nấu cỗ, cho nên cô phải xin nghỉ phép ở cơ quan để lo việc. Thôi thì tất bật chợ búa, củi lửa.
Đã vậy mà vẫn phải luôn cười nói, chào hỏi, nhớ tên từng người trong họ nhà chồng. Xế trưa, xong hết tiệc tùng, dọn dẹp xong cũng là lúc Cúc rã rời. Chiều hôm ấy cơ quan Cúc có việc họp đột xuất, Cúc lại phải xin phép cả nhà để chạy vào cơ quan.
Sau lưng mình là hàng rổ tiếng bấc tiếng chì, nói cô không biết làm dâu, là dâu mới mà không biết ở nhà tiếp khách khứa họ hàng… Bao nhiêu lời chua chát đó, mẹ chồng cô nghe hết để rồi tối đó, trút lên cô một trận nên thân!
Nhưng đâu đã xong. Nhà bán hàng ăn, Cúc còn phải thức khuya dậy sớm phụ mẹ chồng. Hôm nào đi công tác xa hoặc làm việc khuya, sáng dậy không nổi, thể nào cô cũng bị mẹ chồng mắng cho rát mặt: “Thế mà cũng mang danh con gái xứ Trảng cơ đấy. Giỏi giang gì cô!”. Buồn một nỗi, anh chồng chẳng hề biết sẻ chia, lại còn động viên vợ… ráng học tập gương mẹ chồng!
Gánh nặng em chồng
Cũng là dâu trưởng nhưng gánh nặng của Thùy có khác. Hiếu, chồng Thùy là anh trai trưởng của ba đứa em. Hồi yêu và mới cưới, Thùy rất nể phục chồng vì anh là người sớm tự lập, có trách nhiệm với gia đình và biết quan tâm đến người khác. Thế mà gần đây, vợ chồng cô thỉnh thoảng lại cãi nhau vì cái tính… trách nhiệm quá mức cần thiết của anh.
Bố mẹ đã già nên từ khi đi làm, Hiếu phải lo cho các em. Ngay với cô em gái bằng tuổi Thùy, ăn rồi chỉ biết có học mà chẳng trường nào ra trường nào. Thùy ra trường đã 4 năm, lấy chồng và chuẩn bị có em bé, nhưng tới giờ vợ chồng cô vẫn phải chu cấp từ tiền ăn, quần áo, vui chơi, đến “tình phí” cho cô em chồng còn nhởn nhơ… đi học!
“Vợ chồng mình đều có thu nhập cao, chi tiêu tiết kiệm, thế mà vẫn chẳng dư được chút nào, nhà riêng cũng chưa có vì toàn phải lo chuyện đâu đâu” – Thùy nói. Cô còn kể thêm, không phải chỉ một chú em chồng, ở nhà có chuyện gì hơi tí là gọi điện bảo Hiếu về lo. Hiểu và rất thương yêu chồng nhưng nhiều khi nghĩ buồn, tức, Thùy cũng to tiếng và chì chiết anh khiến vợ chồng cứ gấu ó nhau suốt.
Với những cô gái trẻ, quen lối sống hiện đại, đảm đương chức dâu trưởng như quan niệm truyền thống là một áp lực lớn. đó cũng là một trong những lý do gây nên mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu ngày càng lớn, nhất là khi cô dâu đi làm việc mà mẹ chồng ở nhà làm nghề tự do hay đã nghỉ hưu.
Mỗi thành viên trong nhà có thể chia sẻ trách nhiệm, giúp đỡ, yêu thương nhau nhưng không nên quá phụ thuộc và ràng buộc. Xét cho cùng, mỗi người có cuộc sống và công việc riêng, tự chịu trách nhiệm với hành động của mình, nếu được bao bọc quá, họ sẽ đâm ra ỷ lại, mất hết tính tự lập. Ngoài ra, bố mẹ chồng cũng cần hiểu biết và tôn trọng con dâu, đừng áp đặt làm cho họ cảm thấy quá nặng nề về “bổn phận, trách nhiệm” của con “dâu trưởng”.
Cần biết dung hòa Với người con dâu, điều quan trọng nhất là phải biết dung hòa giữa các mối quan hệ cũng như giữa công việc riêng và trách nhiệm gia đình. Nếu như không đồng ý với gia đình chồng, đặc biệt là mẹ chồng điều gì, tốt nhất không nên tỏ thái độ phản kháng, khó chịu ngay mà nên từ từ phân tích, tác động để mọi người hiểu và thông cảm. Nếu ở xa, tùy điều kiện, hoàn cảnh, vợ chồng có thể chia nhau về những ngày, dịp quan trọng để không ảnh hưởng nhiều đến công việc của mình. Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa vợ với gia đình mình về trách nhiệm, ràng buộc của người “dâu trưởng”, vai trò của người chồng rất quan trọng. Nếu yêu thương vợ, chính anh chồng phải tác động dần với gia đình mình, cùng bàn bạc với vợ để có cách cư xử hợp tình, hợp lý nhất. |
Cẩm Giang
(theo nld)