Công trình này bắt đầu từ cách đây năm năm, trong một lần Tam Thái tình cờ bắt gặp một bộ phim phổi mang những hình ảnh về Đà Lạt từ hơn 50 năm trước…
Khu trung tâm Đà Lạt bên hồ lớn năm 1925 |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái vượt sông La Ngà trong một chuyến sáng tác năm 1985 |
Khi được đề nghị kể lại duyên cớ gặp gỡ và quá trình thương lượng bộ ảnh tài liệu về Đà Lạt, Tam Thái nói anh không sinh ra, không lớn lên, không ăn nhờ đất Đà Lạt, nhưng cũng như mọi người Việt Nam khác, anh yêu mến Đà Lạt, yêu mến cao nguyên. Riêng anh, tình yêu mến đó còn là một trăn trở khi nhìn thấy và nhận thấy núi rừng cao nguyên ngày một tàn phai, kiến trúc tuyệt vời của Đà Lạt ngày một nát tan, đất đai ngày một nát vụn…
Yêu thì phải bảo vệ. Vì vậy trong khi tò mò tìm hiểu quá khứ đáng trân trọng và ưu ái mà những người khai phá Đà Lạt đã dành cho nó, anh được gặp một số tư liệu phim ảnh của Đà Lạt hơn 50 năm về trước.
Đó là một hộp phim phổi, đen trắng, được gia chủ giữ gìn cẩn thận vì là kỷ vật của người thân đã khuất. Tò mò nhìn qua những hình ảnh phim âm bản như thế, anh nhận ra rất có thể đây là những hình ảnh sớm nhất về Đà Lạt mà ngày nay trở thành vô giá, vì không tìm lại được nơi thực tế tại vùng đất cao nguyên đã có nhiều thay đổi này. Chủ bộ phim cũng quý Đà Lạt nên mới giữ nó. Nhưng giữ để mà sở hữu.
Thấy cần giới thiệu nó cho mọi người cùng xem, Tam Thái bắt đầu tiến hành một cuộc thương lượng, kỳ kèo đến nhiều tuần lễ. Cuối cùng khi chủ bộ phim (yêu cầu giấu tên) thấy anh mua không phải để làm lợi riêng đã đồng ý nhượng lại. Đây là vật kỷ niệm của người thân quá cố, họ không phải vì ham tiền mà bán.
Sau khi sở hữu, Tam Thái đem hết phim đó làm ảnh 13x18cm. Và đã dành hơn một năm rưỡi để tra cứu, biên soạn, cộng với cái vốn những cuộc điền dã của người làm báo để hình thành bộ sách. Khi những hình ảnh này đến với nhiều người, ắt sẽ có người chia sẻ và biết đâu sẽ có người tìm cách… vực dậy cao nguyên.
Qua tìm hiểu, sưu khảo và nhất là xem những hình ảnh tư liệu ấy, Tam Thái nhận thấy nhiều công trình ở Đà Lạt hôm nay về chất lượng và mỹ quan còn thua xa những công trình Đà Lạt đã thực hiện cách đây nửa thế kỷ.
Trong thời dân số Đà Lạt mới chỉ có khoảng 1.000 người (1920), những nhà thiết kế thành phố đã quy hoạch rõ ràng nơi nào là trường, chợ, công sở, khu dân cư, công viên và cả “không gian nhìn ngắm”… một cách rất khoa học và hợp lý. Nhờ đó mà suốt ba phần tư thế kỷ Đà Lạt đã phát triển trong nền nếp. Người nghệ sĩ tự hỏi tại sao 20 năm gần đây phố xá, công trình xây dựng lại quá lộn xộn? Gần như chỗ nào đất trống là cứ xây. Ở nội thị đã vậy, ra ngoại thị nhà cửa bát nháo chen nhau khắp núi đồi…
Thiếu trình độ, quản lý kém hay không có tâm? Ngoại trừ dọc đèo Prenn, còn các vùng khác hiện nay thông đã bị đốn phá trầm trọng. Thử đi về phía tây bắc thành phố mà xem. Thiếu thông không phải là Langbian. Giống Sài Gòn là không còn Đà Lạt. Càng yêu thiên nhiên cao nguyên, càng yêu bản sắc vùng cao, càng yêu kiến trúc xứ lạnh, càng yêu Đà Lạt thì cần phải sống vì Đà Lạt.
Con người cũng cần gốc rễ như cây để tồn tại. Người Kinh ở Đà Lạt đều là gốc ở đồng bằng mà đến. Người Bắc giữ giọng Bắc, người Huế giữ tiếng Huế, Quảng giữ gốc Quảng… hình như ai cũng yêu Langbian “theo cái nhìn của mình”. Nếu tất cả cùng nhìn ra phải cùng làm gì cho cao nguyên thì hẳn “mình và đất nước, hai bên cùng có lợi”. Nhà quản lý Đà Lạt cũng cần lập đề án bảo tồn những công trình kiến trúc điển hình của thời Pháp, lấy đó làm di sản kiến trúc cho Đà Lạt.
|
||||||
* Bên một bức ảnh chụp cảnh Di Linh, anh ghi “Nếu là thầy, xin hãy bảo các em: đất nước ta nghèo và đẹp”, hình như anh có kỷ niệm hay những trăn trở gì với Di Linh?
- Ngày xưa Djirinh không phải như Di Linh trơ trọi bây giờ. Lúc người Pháp qua, tập trung khai thác B’lao để lập đồn điền trà mà không muốn tiến công vào xứ Djirinh, dù Di Linh gần với Đà Lạt hơn, tiện quản lý hơn. Sở dĩ vậy phần lớn là muốn dành Di Linh làm vùng du lịch săn bắn.
Dĩ nhiên, ta sẽ tưởng tượng ra ngay là rừng ở Djirinh lúc ấy bạt ngàn (có thể hình dung thêm qua bức ảnh trong sách Ngày xưa, Langbian…, trang 49). Vậy thì rừng xưa đâu? Ăn không lo của kho cũng hết. Ngày nay ta không còn rừng vàng biển bạc. Nếu làm thầy, tôi không thể dạy các em những bài học lý thuyết hão huyền, say sưa với lòng tự hào quá khứ… Nghèo và dở không là chuyện xấu. Phải nhìn nhận để rồi vươn lên. Lỡ sai cũng phải nhận là hình như ta đã có một thời lấy việc phá rừng làm thành tích.
Ngày xưa, Langbian… gồm hơn 250 bức ảnh tư liệu in trên giấy couché. Đây là những bức ảnh của một nhóm tác giả Việt Nam chụp Đà Lạt từ những năm 1920-1950. Do vậy, những nội dung trong ảnh ngày nay đã trở thành tư liệu quý hiếm, một số công trình, cảnh vật đã biến mất trên thực tế và chỉ còn trong những bức ảnh này.
Tác giả Tam Thái trình bày sách theo tuyến nội dung: Đường đến Langbian, thập niên 1950; Vài nét cảnh quan thành phố cao nguyên thập niên 1950; Toàn cảnh Đà Lạt 1952; Trên 150 bức ảnh từ phim gốc chụp những biệt thự châu Âu kiều diễm nhất ở Đà Lạt vào thập niên 1950; Tác phẩm hội họa về Đà Lạt thập niên 1950; Hình bóng Đà Lạt thập niên 1920. Bên cạnh đó là những trang sưu khảo về lịch sử Đà Lạt có giá trị học thuật, đồng thời tác giả cũng cập nhật một số thông tin về rừng, về lũ của cao nguyên Langbian đến tháng 7-2009.
LAM ĐIỀN ghi
Theo TTO