Nhà phát minh trẻ mê đất đá
Gặp Tú vào một buổi sáng sớm, khi cô gái xuất hiện thì vẻ rạng ngời như xua đi cái ảm đạm của thời tiết. Tú cho biết, em đang ở giai đoạn thực tập nên không phải đến trường.
Sinh năm 1987, quê ở Kiến Xương, Thái Bình, hiện là sinh viên năm cuối, lớp địa chất B, K50 trường ĐH Mỏ, Lê Thị Ngọc Tú là một trong 4 cô gái hiếm hoi của lớp học này. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, cô nữ sinh bé nhỏ đó đã công trình nghiên cứu khoa học được Bộ Giáo dục – Đào tạo và các tổ chức Khoa học ghi nhận.
Lê Thị Ngọc Tú hiện là sinh viên năm cuối trường ĐH Mỏ – Địa chất. |
Tú đọc cho tôi đề tài em nghiên cứu dài tới tận 3 dòng, lổn ngổn những câu từ về đất đá, rồi cười bảo: “Đây là một nhánh trong đề tài nghiên cứu của thầy giáo em. Em lên kế hoạch và thực hiện nó trong suốt một năm rưỡi. Để hoàn thiện nó, ngoài việc đọc tài liệu, hỏi các thầy giáo là những nhà địa chất hàng đầu, em còn đến Phủ Quỳ, Nông Cống và nhiều vùng đất khác để nghiên cứu thực địa”.
Công trình của Tú đã làm sáng tỏ các đặc điểm địa chất, thành phần vật chất và đặc tính công nghệ của các đá bazan có tuổi ở khu vực Nông Cống (Thanh Hóa) và Phủ Quỳ (Nghệ An). Từ đó cho thấy, đá bazan ở đây có đặc tính công nghệ hoàn toàn có thể làm phụ gia hoạt tính chế tạo bê tồng đầm lăn theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của Hoa Kỳ về phụ gia hoạt tính. Cho nên, việc sử dụng một số chất liệu từ bazan Kainozoi để xây dựng những đập thủy điển lớn cũng như mạng lưới giao thông là hoàn toàn khả thi và phù hợp với điều kiện đất nước, địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Mê nghiên cứu khoa học, nhưng cô bạn cũng rất xì tin. |
Với công trình này, mới đây, Tú đã được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) trao giải thưởng Nhà phát minh trẻ Việt Nam 2009. Giải thưởng này đã được trao trong khuôn khổ Lễ trao giải Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam do Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (ViFotec) tổ chức. Đây là giải thưởng danh giá trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật diễn ra mỗi năm một lần, và năm nay, Ngọc Tú là thành viên trẻ nhất được trao giải.
“Mọi người vẫn thường hỏi em tại sao không chọn học Ngoại thương, Ngoại giao hay kinh tế cho năng động, hiện đại và dễ kiếm tiền… Nhưng bản thân em từ những ngày còn bé đã rất thích được đi xa, được khám phá. Như thời điểm lên cấp 3, em đã chọn trường THPT Nguyễn Du, cách nhà những 7km, đơn giản là vì được… đi xa. Đến khi thi vào đại học, em rất thích hình ảnh những nhà nghiên cứu lưng đeo ba lô, trèo đèo lội suốt đến mọi nơi để khám phá. Chính vì thế nên em quyết định chọn ngành địa chất, và cho đến giờ đất đá vẫn là niềm đam mê của em” – Tú chia sẻ.
Nói về đất đá, gương mặt Tú sáng ngời, em kể, có những chuyến đi em mang về hàng tạ đá. Phòng trọ của em chất đầy các mẫu đá phục vụ cho việc nghiên cứu, những hòn đá nhỏ được bọc rất kỹ và để ngay ngắn trên bàn, tủ. Ngoài ra, cũng có vô số mẫu đá đã được em gửi đến các phòng nghiên cứu để tìm hiểu.
Cô nàng với sở thích đi xa và sưu tầm các mẫu đất đá. |
Hằng ngày, cuộc sống của Tú có lẽ khá “nhạt” đối với những sinh viên đang quay cuồng với bài vở, cô bạn thường đọc sách khoa học…. Ngoài ra, Tú thích đọc truyện tranh, xem phim hoạt hình, phim khoa học viễn tưởng…và đặc biệt thích những khoảng không gian tĩnh lặng với nhiều cây cối để ngồi đọc sách.
Trong suốt 5 năm đại học, Tú đều giành học bổng, hiện tại, em đang cố gắng hoàn thành tốt kỳ cuối cùng để quyết định mình có đạt bằng đỏ hay không. Hiện tại, Tú đang thực hiện đề tài Nghiên cứu điều kiện thành tạo biển nông ở đảo Cát Bà.
Em cho biết: “Hiện nay, tại Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu địa chất ở biển, chính vì thế đây sẽ là một hướng đi cho tương lai”. Cô nữ sinh 23 tuổi hi vọng rằng, công trình nhỏ của mình cũng sẽ góp một phần trong sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu biển nông ở Việt Nam.
![]() |
Có những lúc sống như người rừng
Tú kể: “Em vừa có chuyến đi 10 ngày ở Cát Bà, Hải Phòng. Nói ra thì mọi người tưởng là đi nghỉ mát chứ thực chất 10 ngày ở đó chính là quãng thời gian em sống không khác gì người rừng”.
Có người hỏi em sao không ép tóc, không ăn mặc thật đẹp, không có những đam mê này nọ… nhưng em có những chuyến đi, những trải nghiệm với người dân ở khắp nơi, và em có những khám phá mới. Đó là điều mà có thể những người khác không thể có được như em. (Lê Ngọc Tú) |
Chuyến đi Cát Bà vừa qua để Tú thực tế cho đề tài bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Cũng như những đợt thực tập khác, lần này Tú ăn, ở, ngủ nghỉ tại nhà dân. Nhưng tại đây, cuộc sống của người dân còn khó khăn, không có nước ngọt, bình thường họ chỉ dùng nước mưa để sinh hoạt. Thời điểm có mặt tại Cát Bà, đúng lúc không có mưa, nước chỉ đủ cho người dân nấu nướng, nên Tú phải dùng nước mặn để tắm, giặt, hoặc nhịn.
Một trong những chuyến đi không thể nào quên của cô gái trẻ là cách đây một năm, Tú “định cư” tại nhà dân ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Tú kể: “Hồi đó em được ở nhà một người có chồng đã mất. Cô ấy có 2 người con, và 2 đứa bé tình cảm lắm. Có hôm em đi trong rừng về mệt, cậu bé, mới có 4 tuổi thôi chạy ra mang nước, rồi đấm lưng cho em. Thời kỳ ở Thanh Sơn cũng để lại trong em nhiều kỷ niệm, đó là khi vào mùa lạc, em và các bạn cùng ra đồng nhổ lạc với mọi người, rồi vui vẻ cười đùa. Buổi tối, các bác trong xã cũng mang đến cho chúng em một rổ lạc rất to”.
Giản dị nhưng vốn sống rất phong phú. Bởi với Tú đã từng đến những nơi xa xôi của Nghệ An, Phú Thọ, Thanh Hóa… để nghiên cứu địa chất. |
Mỗi chuyến đi này có thể kéo dài hàng tháng, có những lúc cô sinh viên trẻ ăn ở khách sạn, nhà hàng sang trọng, nhưng cũng có những thời điểm sống ở nhà dân, hoặc băng rừng vượt núi để đến những nơi xa xôi.
Cứ như thế, từng đi không chỉ phục vụ cho công việc học tập, nghiên cứu mà còn là những trải nghiệm quý giá của Tú về cuộc sống. Ở đó, các em tự nấu cơm, tự rửa bắt, giặt quần áo, có những lúc sống tập thể, giúp đỡ, chăm sóc nhau khi đau ốm. Cũng có những lúc một mình ở với một gia đình, cùng ăn uống, cùng chia sẻ những niềm vui nhỏ nhỏ, với những nét văn hóa đặc trưng của người dân.
Tú tin tưởng rằng tìm việc sau khi tốt nghiệp không phải là khó, nhưng nên đi du học để có thêm hiểu biết và nâng cao bản thân. |
Nói về tương lai, nhà phát minh trẻ chia sẻ: “Em vẫn đang cố gắng học tiếng Anh và tìm kiếm học bổng, tuy nhiên học bổng về ngành địa chất là không nhiều. Cho nên mục tiêu của em sau khi tốt nghiệp là đi làm và sau đó sẽ có kế hoạch để đi du học”.
Lê Thị Ngọc Tú Sinh tháng 11/1987 Đề tài: Nghiên cứu đặc điểm địa chất thạch học khoáng vật và các đặc tính công nghệ đá bazan Kainơzoi khu vực Nông Cống (Thanh Hóa) và Phủ Quỳ (Nghệ An) theo hướng chế tạo bê tông đầm lăn cho các đập thủy điện lớn. Được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao giải nhất trong hệ thống đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên 2009. Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trao giải Nhà phát minh trẻ nhất Việt Nam 2009. |
Thủy Nguyên
(theo zing)