Cuốn sách Tớ lớn rồi đấy nhé! của tác giả Dr. Barbara Becker Holstein từng bước giúp bạn tháo gỡ những băn khoăn này.
![]() |
Tớ lớn rồi đấy nhé! là cuốn nhật ký của một cô bé 10 tuổi rất đáng yêu. Cô bé tâm sự với “Nhật ký thân mến” những suy nghĩ của mình về các mối quan hệ với bố mẹ, bạn bè, những băn khoăn về sự thay đổi về tâm sinh lý tuổi mới lớn.
“Tớ có một bí mật. Tớ muốn biết về giai đoạn được làm người “nhớn”. Tớ muốn hỏi mẹ rất nhiều điều, ví dụ như khi nào tớ nên mặc áo chíp, nhưng tớ không thể hỏi mẹ được. Mỗi khi tớ ướm hỏi mẹ thì mẹ lại nhìn đi chỗ khác và bắt đầu đan chéo các ngón tay vào nhau… Tớ không bao giờ có được câu trả lời thật sự cho câu hỏi của tớ… Tại sao lại như vậy nhỉ? Chẳng nhẽ mẹ lại không biết là tớ rất bối rối sao? Làm sao tớ có thể lớn được nếu mẹ không nói cho tớ biết là tớ nên chờ đợi điều gì ở phía trước?”. Tất cả những điều này được ghi vào cuốn nhật ký nhỏ, nơi mà cô bé gửi gắm những tâm sự thầm kín, những tâm sự mà cô không biết chia sẻ cùng ai. Cuốn nhật ký như một người bạn đồng hành, người bạn tri âm trên con đường tìm hiểu về chính bản thân mình.
Qua những dòng nhật ký ngộ ngĩnh, ngây thơ của cô bé, đâu đó các bậc phụ huynh như tìm thấy tuổi thơ mình, thời điểm mà bạn cũng có những suy nghĩ như vậy. Bạn cũng nhận được những lời quát mắng từ cha mẹ rằng “Không phải việc của con” hay “Con chưa đủ tuổi để biết điều đó”… khi bạn hỏi về giai đoạn làm người lớn. Và giờ đây nó lại đến với con cái của bạn.
Nếu bạn là một phụ huynh của một cô bé 10 tuổi thì sao? Đã bao giờ bạn băn khoăn làm sao để biết được con đang nghĩ gì, tại sao con lại hành động như thế? Làm sao để giải đáp những câu hỏi “không phải của trẻ con, chẳng phải của người lớn” của chúng? Dường như rất ít cha mẹ có thể bước vào thế giới của con mình, có lẽ bởi giữa cha mẹ và con cái không tìm được tiếng nói chung, phải chăng giữa cha mẹ và con đã có một khoảng cách rất lớn.
“… Tối qua bố mẹ tớ cãi nhau to lắm… Tớ không nghe thấy gì cả, nhưng bố mẹ làm tớ lo lắng và không thể ngủ được. Vì thế mà hôm nay đi học tớ rất mệt… Tớ không hiểu, thật sự không hiểu. Bố tớ bảo “Đừng làm chuyện bé xé ra to”. Đấy, nhưng bố vẫn quên lời nói của mình, còn tớ, tớ sẽ luôn nhớ điều đó. Bởi vì điều đó rất đúng!”.
Tiếp xúc những lời tâm sự chân thành của cô bé trong cuốn sách, các bậc phụ huynh có thể hiểu hơn những suy nghĩ, cảm xúc tuổi mới lớn của con mình, những khó khăn mà con mình đang gặp phải. Những điều trong cuộc sống mà người lớn thường làm, tưởng như nhỏ nhặt nhưng có thể ảnh hưởng rất lớn và làm tổn thương đến trẻ. Vì lẽ đó, cuốn sách này thật sự là một cuốn sách quý! Hi vọng các bậc cha mẹ sẽ tìm thấy ở đó nhiều điều bổ ích và lý thú.
“Tớ lớn rồi đấy nhé!” cho tôi thấy lại những ngày tuổi thơ và nhớ lại những kỷ niệm tuổi mới lớn của mình. Nhớ về cái ngày hay đứng trước gương ngắm nhìn cơ thể mình, nhớ những lúc ra bờ sông ngồi khóc khi cha mẹ cãi nhau…
Cũng từ cuốn sách này, các bạn nhỏ có thể tìm thấy những suy nghĩ, cảm xúc đồng điệu với mình trong cái tuổi không còn nhỏ mà cũng chưa đủ lớn.
Sách do Thái Hà Books và NXB Lao Động Xã Hội ấn hành năm 2010.
GIA AN
(theo teen.tuoitre)