Chiều tháng ba nhiều gió, bầu trời Sài Gòn thấp thoáng những cánh diều. Dưới những khu đất trống cũng phấp phới màu sắc của những chiếc xe bán diều. Diều hình con quạ, con bướm, con chuồn chuồn, nàng tiên cá… đủ kiểu dáng.
![Cánh diều tuổi thơ - Tin180.com (Ảnh 1)](http://beforeitsnews.com/vietnamese/wp-content/blogs.dir/11/files/2010/05/Canh-dieu-tuoi-tho_Tin180.com_001.jpg)
Những cánh diều của tuổi thơ tôi thì không cầu kỳ, không nhiều màu sắc như vậy.
Chúng tôi là những đứa trẻ con của “xóm ruộng”. Gọi là xóm ruộng là để phân biệt với “cư dân” của những xóm khác được phân theo “vị trí địa lý”. Xóm ruộng là xóm khuất sâu phía trong.
Những năm đó, quê tôi cũng đang dần đô thị hóa, ruộng vườn bị thu hẹp, chỉ có bà con ở xóm tôi là vẫn cố bám trụ để giữ đất giữ vườn. Cũng nhờ thế mà chúng tôi vẫn còn cánh đồng mênh mông để buổi trưa lần theo các bờ đá gập ghềnh mò cua bắt ốc; để cuối mùa gặt còn thi nhau xem ai “mót” được nhiều lúa hơn; để được tắm thỏa thích dưới những cơn mưa rào mát rượi, được đi chân trần dẫm trên gốc rạ được nước mưa tưới mềm. Và, khi đã hết mùa vụ, cánh đồng là khoảng không gian rộng lớn để chúng tôi mải miết đuổi theo những cánh diều.
Đó là những con diều chúng tôi tự làm bằng giấy của cuốn tập cũ. Giấy được ghép lại cho đủ độ lớn, cắt thành hình thoi, nan diều có thể làm bằng tre hoặc bằng sống lá dừa. Làm diều khó nhất là ở khâu vót tre làm nan. Phải vót thật đều tay, nếu nan diều không cân, bên nặng bên nhẹ diều sẽ không bay lên được mà chỉ chực chao xuống đất. Thả diều còn cần phải có dây. Không có tiền mua cước, chúng tôi tìm gỡ những dây nhựa từ bao đựng thức ăn gia súc, nối lại cho thật dài. May là ở xóm tôi nhà nào cũng nuôi heo nên chuyện tìm “dây thả diều” là… chuyện nhỏ.
Trưa đi học về, ăn cơm xong là đứa nào cũng cắm đầu vào dán diều. Trời vừa hết nắng, cả bọn rần rần kéo nhau ra đồng, trên tay đứa nào cũng có một con diều, bất kể gái hay trai. Con diều nào cũng một kiểu như nhau. Chúng tôi thường hồi hộp ngóng xem con diều nào bay cao nhất.
Thỉnh thoảng, mới có vài con diều sáo hình trăng lưỡi liềm của mấy anh lớn đã dày dạn kỹ thuật vút qua. Giấy làm diều sáo phải được bóc ra để lấy một lớp rất mỏng, đều nhưng không được có một vết thủng nào. Làm nan cũng phải uốn rất khéo léo thành hình vầng trăng khuyết. Khi đã thành công, con diều đúng là một “kiệt tác”, vừa được thả đã bay vút lên cao, còn phát ra âm thanh vi vu như tiếng sáo. Bọn nhỏ chúng tôi chỉ biết mê tít ngóng mắt theo…
Lên thành phố lập nghiệp, thi thoảng gặp bọn trẻ con được ba mẹ đưa ra những bãi đất trống thả diều. Những chiếc diều tuy đẹp, to, đắt tiền nhưng tù túng đến tội. Tự dưng trong tôi trào lên chút tự hào rất… trẻ con: tụi trẻ con thành phố còn lâu mới “sướng” bằng bọn trẻ xóm ruộng quê mình!
(Theo PNO)