Mẹ chồng Oanh sầm mặt khi thấy đĩa tôm sú con dâu mua về. Bà nhất định không đụng đũa vào món “tốn tiền” ấy. Oanh hiểu mẹ không hài lòng. Cô cũng không gắp mời bà một miếng nào, cặm cụi ăn cho bằng hết.
Giống Oanh, Chuyên (Dịch Vọng, Hà Nội) cũng hay gọi KFC hay pizza về nhà. Nếu không, cuối tuần nào cô cũng năn nỉ cả nhà đi ăn hàng. Bố mẹ chồng tiếc tiền không đi, Chuyên quay sang thuyết phục chồng. Mẹ chồng Chuyên không bằng lòng vì con dâu quá lãng phí. Theo bà, thêm ít tiền, cả nhà đã có bữa cơm tự nấu tươm tất.
Vừa rồi, Oanh mới đổi xe tay ga cũng bị mẹ chồng “nói ra – nói vào”. Oanh khó chịu khi không được tự ý chi tiêu. Cô cứ kệ mẹ chồng nói gì thì nói. Vài lần sau, bà không góp ý nữa mà tỏ thái độ không buồn đụng tới đồ đạc của con dâu. Có khi, Oanh còn nhận được câu nói mát mẻ của mẹ chồng: “Mẹ chẳng dám uống nước bằng cái cốc này. Đồ của con toàn đồ ‘xịn’, lỡ tay làm vỡ thì đền không nổi”.
Xoa dịu “chiến tranh”
Chuyện xung khắc chỉ vì mẹ chồng tiết kiệm, con dâu hào phóng là khá phổ biến. Phần lớn mẹ chồng đã trải qua thời kỳ gian khố nên quen sống chừng mực. Còn nhiều con dâu được lớn lên trong no đủ nên quen tiêu pha. Chưa kể, những cô có thu nhập khá, kinh tế vững thì việc chi tiêu còn khiến mẹ chồng xót xa hơn.
Mẹ chồng có thể nghĩ, con dâu hoang phí; thích ăn diện; hoặc đánh giá là con dâu chê thức ăn mình nấu. Con dâu thì cho là, mua đồ ngon về để đãi cả nhà thì không có gì xấu; nếu kinh tế tốt, cứ thoải mái tiêu pha, ăn uống, sao phải chắt chiu cho khổ? Mâu thuẫn nổ ra khi mẹ chồng ép con dâu sống kiểu của mình. Trong khi đó, con dâu nhất quyết không chịu, cứ thích tiêu theo ý mình.
Những bất hòa giữa mẹ chồng nàng dâu về chuyện chi tiêu trong gia đình thường chỉ âm ỉ. Ban đầu, mẹ chồng sẽ góp ý hoặc tỏ thái độ khó chịu. Nếu con dâu “mạnh tay” hơn thì mẹ chồng có thể phản đối bằng thái độ lạnh lùng. Có khi, bà chỉ nói bóng gió để con dâu hiểu và rút kinh nghiệm. Bà ngại nói thẳng vì sợ bị chê là cổ hủ, lạc hậu. Nhiều trường hợp, sự bóng gió ấy lại khiến hai bên “kình địch” nhau hơn. Con dâu tỏ ra ấm ức với mẹ chồng vì phải nghe bà “nói mát”. Có khi, cả hai cùng tự ái, “chiến tranh” xảy ra.
Nhiều trường hợp, không bằng lòng trong cách chi tiêu rất dễ dẫn tới thái độ khó chịu khác. Chẳng hạn, con dâu thấy cuộc sống chung bí bách nên muốn được ở riêng, muốn được làm theo ý mình. Mẹ chồng thấy con dâu tiêu hoang thì xót ruột, không thể không nói ra. Nếu “không thèm nói nữa” thì có nghĩa là mâu thuẫn đã lên tới đỉnh điểm.
(Theo Mẹ&Bé, theo giadinh)