Anh Vũ Khánh Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) hưởng thụ thời gian vợ vắng nhà bằng cách mang đống đĩa phim ra xem cùng cậu con trai từ sáng tới tối. Thích ăn gì thì a lô cho người ta mang đến. Ba ngày vợ đi vắng là 3 ngày hai bố con tự do, sống trong sung sướng. Chán xem phim thì dắt nhau đi chơi bi-da. Chán bi-da thì đi câu cá.
Đứa con 12 tuổi của anh Khánh Hà phấn khích vô cùng khi được bố chỉ cho những đòn gẩy bóng rất hiểm và cách nhử sao cho con cá cắn câu hẳn rồi mới giật lên. Nó phát hiện bố đâu chỉ có biết kiếm tiền, còn có nhiều tài lẻ đáng hâm mộ hơn. Vợ gọi điện về, biết hai bố con ở cạnh nhau rồi, thế là yên tâm gác máy. Buổi chiều cuối cùng trước khi vợ về, hai bố con hè nhau dọn sạch nhà cửa, mua cả hoa cắm vào bình.
“Một năm vợ tôi đi vắng 4-5 lần, mỗi lần từ 3 đến 5 ngày, khoảng thời gian đó thật tốt. Tôi có thời gian cùng con trai vui sống cùng nhau, làm những điều theo sở thích đàn ông mà không bị “tướng gia” quát nạt, ngăn cản, cằn nhằn. Vợ ở nhà làm sao dám lăn lóc xem phim cả ngày, làm sao dám gọi thức ăn nhanh, đi chơi bi-da hay câu cá? Mỗi lần vợ đi vắng là một lần được “xả hơi”. Tình cảm cha con cũng gắn bó hơn sau mỗi lần “thiếu hơi mẹ”.
Anh Nguyễn Đàm làm việc tại một công ty chứng khoán ở TPHCM cũng thấy “không ảnh hưởng gì nếu vợ đi công tác 4-5 ngày”. Vợ anh làm ở công ty xuất nhập khẩu, thi thoảng lại đi kiểm tra cơ sở sản xuất, đó là lúc anh được đi nhậu với bạn mà không bị quát về. “Vợ tôi chu đáo, đi là gửi con cho vợ chồng đứa em, chứ bình thường vợ chồng tôi quản hai đứa con sinh đôi, mệt đứt hơi. Vậy nên khoảng thời gian vợ đi vắng là tôi cũng bứt ra được để gặp gỡ bạn bè. Vợ về thì đâu lại vào đấy”.
Còn anh Hoàng Đình Phương, một kỹ sư xây dựng, chia sẻ: “Vợ đi vắng vài ngày tốt cho cả hai vì vợ cũng được thoải mái, tạm xa cảnh phục vụ chồng con hằng ngày, bếp núc, giặt giũ. Chồng cũng được nới lỏng thời gian hơn và có thể làm vài điều theo ý mình, tăng tính sáng tạo trong cái guồng quay luật lệ do vợ đặt ra. Đi mấy ngày, cảm giác nhớ nhau cũng làm cho tình cảm vợ chồng thêm phần thi vị”.
Đi nhiều: Không chấp nhận!
Nếu vợ đi công tác vài ngày khoảng một tháng một lần, nhiều anh chồng lập tức không chịu nổi. Anh Phương cho rằng nếu vợ đi nhiều quá, dù mỗi lần chỉ đi vài ngày thì cảm giác không yên tâm ập đến ngay. “Đàn ông có thể là trụ cột về tài chính nhưng trong gia đình, vợ vẫn là quản gia. Không thể cứ tháng nào cũng thiếu quản gia vài ngày. Lâu lâu đi một lần để gia đình đổi không khí thì được, chứ đi liên tục thì tôi không chấp nhận việc một phụ nữ ra ngoài nhiều như thế. Tiền tôi đã lo rồi, vợ cần gì phải lao ra ngoài nữa”.
Chị Nguyễn Phương Anh làm việc tại một công ty PR, đi công tác liên tục và thường xuyên phải tiếp khách. Mỗi lần về đến nhà, nhẹ thì chồng càu nhàu, văng vài câu đau tai, còn nặng là bị ném cái gì đó vào người. Dù chị là người lo tiền bạc trong gia đình là chính nhưng hễ chị đi công tác về là anh đùng đùng nổi giận. “Hai đứa con tôi đã biết điều gửi bà ngoại, anh ở nhà không phải làm gì nhưng vẫn cho rằng tôi đi như vậy là bỏ bê gia đình. Thậm chí có lần anh còn đến tận công ty tôi đánh ghen, đòi xem bảng kê chi tiết điện thoại xem tôi có quan hệ với ai không mà đi nhiều thế” – chị Phương Anh kể.
“Tôi không chấp nhận vợ đi công tác nhiều quá. Vợ chồng xa nhau nhiều sẽ ảnh hưởng đến tình cảm. Việc chính của người vợ là chăm lo gia đình, việc xã hội nên xem là nhỏ hơn. Không làm được điều đó thì gia đình tan vỡ là lỗi của người vợ chứ không thể đổ cho những ông chồng không biết giữ vợ. Chúng tôi chỉ cảm thông được cho những chuyến công tác một năm vài lần, chứ đi liên tục thì không thể yên tâm”- anh Vũ Khánh Hà nêu quan điểm.
Chính vì quan điểm cứng rắn của những người chồng mà nhiều cuộc hôn nhân đã tan vỡ khi người vợ cũng thấy chồng là người không sẵn lòng cảm thông với công việc của mình. “Công việc của vợ đâu thể đi công tác theo ý chồng. Khi cả năm không đi đâu, chồng lại mong vợ đi vài ngày nhưng có lúc phải đi liên tục khiến chồng lo lắng, buồn bực. Nhưng nếu chồng yêu vợ, hiểu vợ thì mong chồng hãy cùng vợ chia sẻ và cảm thông”- chị Ngọc Hoa, vợ anh Khánh Hà, nhắn nhủ.
Theo Thủy Tiên
Người Lao Động
(theo dantri)