Chồng đi làm, vợ cũng đi làm. Con đường đi làm của hai vợ chồng cùng dẫn đến một địa chỉ, vợ chồng cũng là đồng nghiệp. Vậy mà, đôi khi con đường chung ấy không đưa những người bạn đời gần lại với nhau hơn.
Những ngày tháng ríu rít của đôi uyên ương non nhanh chóng biến thành những trận khẩu chiến khi vợ Tuấn được cất nhắc, còn chồng thì vẫn mải miết phận standby. Tuấn tìm lại chiến hữu. Nhung không chấp. Không có xe ôm thì tự đi xe máy. Tuấn nhận ra mình thua “toàn tập”: lương tháng vợ “lãnh dùm” hết, các khoản phúc lợi, tiền thưởng cuối năm cũng cùng chung số phận, đố mà nhập nhằng được một xu. Ngoài tám giờ vàng ngọc, sểnh ra phút nào vợ biết ngay phút ấy, ngồi đâu với ai vợ sẵn danh bạ điện thoại công ty, đố mà chạy thoát. Thêm vào đó, vợ chồng hôm trước giận nhau là y như rằng hôm sau các chị các cô ở công ty quét qua quét lại những cái nhìn đầy ngụ ý, Tuấn có cảm giác mình bị lộn trái ra, phân tích từng milimét.
Người ta dễ ngộ nhận rằng sự hòa hợp trong tình cảm sẽ quyết định sự hòa hợp mọi mặt khác của đời sống, mà quên rằng đời sống công việc có logic khác với đời sống tình cảm, nhất là tình cảm vợ chồng. Tình yêu chưa chắc đã là tiền đề tốt cho sự đồng thuận, nhất trí trong công việc.
Tình yêu trong người phụ nữ bắt đầu từ sự kính phục, lòng ngưỡng mộ. Nhưng, khó có ai giữ được lòng ngưỡng mộ, kính phục ấy suốt 24 giờ một ngày, chưa nói đến chuyện suốt đời. Vợ chồng là đồng nghiệp, cái hay cái dở từ trong nhà cho đến công việc bên ngoài đều bộc lộ. Chưa nói đến việc năng lực hay điều kiện thăng tiến của chồng có thể không bằng vợ, chỉ riêng việc “hở sườn 24/24” đã khiến ánh hào quang về tài năng của chồng mai một dần trong vợ. “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”, đời sống thường ngày sẽ đập vỡ vụn, từng nhát một, cái ảo tưởng cần thiết để duy trì chút lãng mạn, bay bổng cuối cùng. Không phải chỉ riêng các đức ông chồng không thích vợ làm cùng cơ quan, mà đa phần các chị, khi bị hỏi đến cùng, cũng không thích chồng mình làm chung cơ quan cho lắm.
Vợ chồng là đồng nghiệp, chuyện nhà thành chuyện cơ quan và ngược lại. Dăm ba chuyện eo sèo cơ quan, vài gương mặt đồng nghiệp đôi khi được lôi cả vào giường ngủ. Họp cả ngày ở công ty chưa hết, tối về nhà họp tiếp, tranh cãi cho đến cùng. Nếu người vợ hoặc chồng không khéo, không tự đặt cho mình những giới hạn cần thiết, những câu chuyện ở cơ quan sẽ xộc thẳng vào phòng ngủ của vợ chồng. Tuy nhiên, không dễ đặt ra và tuân thủ những giới hạn đó nên những thói quen, những mâu thuẫn trong đời sống gia đình dễ “di cư” sang lĩnh vực công việc, ảnh hưởng đến những quyết định liên quan đến nhiều người khác, không thuộc phạm vi gia đình.
Để những va chạm trong công việc không làm tan vỡ những giá trị tinh thần của đời sống gia đình, cần có một bộ giáp trụ khá phức tạp, mà không phải ai cũng trang bị được. Giải pháp thông thường là mỗi người chọn cho mình không gian riêng để vẫy vùng cho thỏa chí. Tách gia đình khỏi công việc một cách cơ học, hoặc đặt những giới hạn để bảo vệ tổ ấm của mình… đều nhằm mục tiêu cuối cùng là giữ gia đình vẹn nguyên là một tổ ấm, bao nhiêu giông bão của thương trường – chiến trường đều phải dừng lại ngoài ngưỡng cửa.
Vấn đề là ở chỗ việc sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với công việc hay gia đình trong những trường hợp này khá khó khăn. Từ kinh nghiệm quản lý, một số công ty, doanh nghiệp đã có chính sách hết sức rõ ràng, quy định trong thỏa ước lao động: vợ chồng không cùng công ty, hoặc một số bộ phận quan trọng không bao giờ được phân công cho người quản lý có vợ/chồng làm chung công ty. Điều này nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của đời sống gia đình lên hệ thống công việc. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi sự nảy sinh tình cảm khi làm việc gần gũi với nhau, không thể cấm cản điều tất yếu này, nên khi đồng nghiệp trở thành vợ chồng, một trong hai người phải chấp nhận rời khỏi công ty.
Từ đây, nghĩ thêm chút nữa, thấy những mối tình công sở hình như cũng có nét chung. Có chút cảm tình, thậm chí có chút vấn vương đeo đuổi giữa một đồng nghiệp nam và một đồng nghiệp nữ đôi khi cũng là chất xúc tác để làm việc thú vị hơn, công việc trôi chảy hơn. Nhưng, bước quá đi một bước, đồng nghiệp chuyển thành người tình, chưa hẳn công việc đã còn thú vị, nhanh chóng như trước. Biết mình vừa “đổi một đồng nghiệp tốt lấy một người tình tồi” thì đã muộn!
(theo giadinh)