Tuy nhiên, mỗi người mỗi sở thích nên với không ít gia đình, chiếc tivi lại vô tình gây nên “nội chiến”.
Nhà tôi chỉ có một chiếc tivi, nhưng vợ tôi thích xem phim bộ và mê gameshow. Với tôi, bóng đá mới là số một. Thật khổ với những tối cuối tuần có nhiều trận đấu hay hoặc vào mùa giải Euro, World Cup. Khi tôi háo hức chờ xem MU, Liverpool, Barcelona… thi đấu, thì vợ dán chặt mắt xem phim Việt giờ vàng, hay phim Hàn Quốc đang hồi sướt mướt. Lúc nào tay nàng cũng khư khư ôm remote như báu vật.
Tôi ngỏ lời: “Cho anh coi đá banh chút nghe”. Nàng lắc đầu nguầy nguậy mà chẳng thèm nhìn tôi: “Sắp hết phim rồi, anh chờ em chút”. Nhưng, trời ạ! Một chút của nàng dài cả tiếng đồng hồ. Sốt ruột, tranh thủ lúc nàng đi “giải quyết vấn đề” tôi chuyển kênh. Nàng vào cự ngay: “Anh kỳ quá, em đang xem phim mà”. Tôi cáu: “Ngày nào cũng phim với ảnh, em xem hoài không chán à?”. Nàng trả đũa: “Vậy anh coi đá banh hoài có chán không?”.
Thế là vợ chồng tôi bỗng trở thành luật sư, ai cũng quyết liệt bảo vệ lý lẽ của mình. Nàng trách tôi không nhường vợ. Tôi nói: “Anh đã nhường cho em suốt cả tuần rồi, mà em cũng phải chia sẻ sở thích của chồng chứ”. Đó là điệp khúc thường xuyên và giải pháp là… tắt tivi, khỏi coi rồi người ra phòng khách, kẻ lên giường.
Tương tự, cậu Tấn bạn tôi cũng chung hoàn cảnh. Vợ chồng Tấn cưới mới sáu tháng, rất hạnh phúc, nhưng từ khi có “kẻ thứ ba” là cái tivi thì giận hờn nhau suốt.
Nhà Tấn khá rộng, điều kiện kinh tế sung túc, thừa sức mua năm tivi một lúc. Nhưng Thoa – vợ cậu ấy ban hành “gia quy”: “Vợ chồng đi làm cả ngày không gặp nhau, nên tối về phải ăn cơm, trò chuyện, xem tivi cùng. Tuyệt đối nghiêm cấm “hành vi”: đánh lẻ ra ngoài đi chơi với bạn bè, vợ ở một phòng, chồng ở một phòng…”. Vợ chồng Tấn quy ước hẳn hoi: từ 19g đến 22g là tivi của vợ; từ 22g trở đi là của chồng. Mà vợ Tấn thì ghiền phim còn nặng hơn vợ tôi.
Danh sách phim đang theo dõi của Thoa là (trên một kênh truyền hình thôi nhé): 19g30 phim Hàn Quốc, 20g phim Việt Nam, 20g45 phim Hàn Quốc… Bởi vậy, được sở hữu tivi trong hai tiếng đồng hồ chỉ là “mộng phù du” của Tấn. Vợ Tấn luôn dùng “năn nỉ kế”, lúc thì: “Anh ơi! Em lỡ coi phim này rồi, hôm nay là tập cuối, anh cho em coi hết luôn đi”, lúc nài nỉ: “Phim này mới ra lò, nghe nói là phim hay nhất Hàn Quốc năm 2009 đó, lại có diễn viên em thích nhất nữa. Anh cho em coi thử thôi”…
Không cần xem, chỉ nghe tiếng phim cũng là cực hình với Tấn. Nhưng vợ Tấn lại muốn chồng ở bên cạnh để có người chia sẻ, đồng cảm, kiểu như: “Con nhỏ này giựt chồng người ta, thấy ghét quá anh hé” hay “Thằng cha này mê gái đẹp bỏ vợ, em vái cho chả bị sida…”. Vì vậy, tranh thủ vợ đi uống nước hay tivi phát quảng cáo, Tấn nhanh chóng chuyển kênh phim HBO, Cinemax. Vợ sợ mất đoạn phim hấp dẫn, la oai oái, cả hai cùng giành cái remote và miệt thị nhau: “Mấy cái phim vô vị, nhảm nhí đó mà cũng coi”, “Ba cái phim đánh đấm chỉ giỏi làm người ta hung hăng, chứ bổ béo gì”.
Chiếc tivi cũng đang trở thành “cơn bão ngầm” trong gia đình chị Hà – trưởng phòng nhân sự của một công ty quảng cáo. Ba thế hệ của gia đình chị sống cùng một mái nhà và có sở thích khác nhau: mẹ chồng thích coi cải lương, chồng mê đá banh, con trai ghiền hoạt hình còn chị khoái ca nhạc, hài kịch. Nề nếp gia đình chị là tối tối cả nhà tề tựu ở phòng khách xem tivi.
Chị kể: “Buổi tối, nhà tôi luôn có chiến sự: mẹ chồng lặng lẽ bỏ vào phòng, chồng tôi chăm chú với kênh thể thao, con trai khóc đòi xem hoạt hình. Hoặc ngược lại, mẹ chồng xem cải lương là cha con ngồi tiu nghỉu, chẳng buồn nói chuyện. Chỉ có tôi, chẳng vui, chẳng buồn vì có bao giờ chen chân vào được tốp 3″.
Chị Hà cho biết, khi vào cơ quan, nghe đồng nghiệp “tám” chuyện ca sĩ A mặc áo đẹp, kịch kia vui hay phim nọ hay, chị thấy mình như lạc hậu, phát tức.
(Theo Phụ nữ)