Bình thường họ vẫn được cho là những người vợ đảm đang, khéo léo, biết quán xuyến gia đình. Nhưng, chỉ cần một sự cố nhỏ như người giúp việc (NGV) về quê, sự vụng về của các bà vợ ấy mới lộ ra.
Tệ hơn vợ thằng Đậu…
Tổ ấm của chị Vũ Anh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã thành tổ… lạnh từ khi chị Ba giúp việc xin nghỉ. Bình thường chị Anh vẫn là người sắp đặt công việc cho người giúp việc, nhưng không hiểu sao khi không có người giúp việc, mọi sinh hoạt của gia đình chị cứ lộn tùng phèo. Giờ nhà chị hiếm khi được ăn cơm trước 8 giờ tối. Những bữa cơm cũng chẳng còn vui vẻ, đầm ấm như trước vì mọi người đã quá đói, phần khác khả năng nấu nướng của chị dưới mức trung bình. Đã mệt mỏi vì phải vào bếp, đến bữa lại nghe con í éo chê má nấu không ngon bằng dì Ba; nhìn chồng khẩy khẩy đĩa thịt rồi chan nước canh húp cho xong chén cơm, chị Anh tức cành hông, đâm “quạu”.
Anh Nguyễn Anh Hùng (công ty K.) từng rất hãnh diện với bạn bè vì cưới được cô vợ xinh đẹp, giỏi giang, thông thạo hai ngoại ngữ. Cuộc sống của hai vợ chồng trẻ chỉ êm đềm cho đến khi mẹ vợ – đang ở chung với hai vợ chồng, phải sang nhà con trai để chăm sóc cháu nội mới sinh. Khi đó, anh mới phát hiện Tuyết, vợ anh đểnh đoảng đến bất ngờ.
Bắt đầu là chuỗi ngày ăn cơm bụi. Hết chịu nổi, anh bàn với vợ đi siêu thị mua thức ăn về trữ sẵn. Chẳng biết Tuyết làm ăn kiểu gì, mỗi lần cô mở tủ lạnh là Hùng muốn… xỉu vì cái mùi gớm ghiếc và sự lộn xộn của tủ lạnh. Mua gì về, Tuyết cứ để nguyên tống hết vào tủ lạnh. Hùng nhắc, Tuyết thản nhiên: “Việc gì phải rửa cho mất thời gian, đằng nào khi nấu cũng phải rửa lại!”. Hình như Tuyết chẳng bao giờ kiểm tra, vệ sinh tủ lạnh. Chỉ cần thấy tủ lạnh vơi là cô lại đi siêu thị mua thức ăn tống vào cho đầy. Thỉnh thoảng Tuyết lại la toáng lên khi phát hiện một túi rau củ đã ủng thối từ lúc nào, hay một món ăn thừa để quên cả tháng trước đó.
Mỗi lần giặt quần áo, Tuyết tống cả khăn lau, tã lót, quần áo của con chung với quần áo của hai vợ chồng. Hùng nhắc, Tuyết cáu: “Anh thích thì đi mà làm, em không có thời gian đâu mà đi phân loại từng thứ”. Chưa hết, đồ dùng của con cô vứt lung tung khắp nơi. Tính cẩu thả và sự vụng về trong sắp xếp công việc của Tuyết khiến cuộc sống của vợ chồng căng như dây đàn, cãi cọ liên tục. Hùng trách Tuyết không cẩn thận, bừa bộn, Tuyết vặc lại: “Anh cái gì cũng nói được, tôi có phải người giúp việc đâu”. Chịu hết xiết, Hùng chỉ muốn bỏ về nhà mẹ nhưng lại thương con còn nhỏ, vợ vụng về.
Lý do nhỏ – hậu quả lớn
Theo bà Trần Thu Mai, Phó khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: “Không ít trường hợp các cặp vợ chồng tìm đến các trung tâm tư vấn hôn nhân gia đình chỉ vì những trục trặc xuất phát từ sự vụng về của vợ, trong đó nhiều bà có học thức, có trình độ và là mẫu phụ nữ tháo vát trong xã hội”.
Từ một gia đình êm ấm, cuộc hôn nhân của chị Vũ Anh đi dần đến bờ vực. Nuốt không nổi cơm vợ nấu và ngại bộ mặt lúc nào cũng “hình sự” của vợ, chồng chị sinh tật la cà với mấy ông bạn nhậu. Sẵn bực mình vì chuyện nhà, cộng thêm stress vì không đủ thời gian nghỉ ngơi, thấy chồng về trễ, chị “xả” luôn với chồng. Vài lần đầu anh còn im lặng, tới khi chịu hết nổi, anh “bung”: “Cô coi lại mình đi. Phụ nữ gì mà để nhà cửa lúc nào cũng như bãi chiến trường. Nấu bữa cơm gia đình có gì khó mà nhìn cái bếp bầy hầy phát ớn. Nhờ chồng phụ thì quát ầm ầm như quát con. Làm vợ mà cứ như làm sếp, ai chịu cho thấu?”.
Là người có hiểu biết, chị Anh cũng đã kịp thời kiềm chế và bình tĩnh nhìn lại mình. “Tới lúc đó tôi mới biết khả năng tề gia nội trợ của người phụ nữ quan trọng như thế nào trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trước kia, tôi nghĩ đơn giản: làm vợ đảm thời hiện đại chỉ cần là người biết sắp xếp cuộc sống gia đình. Những việc tủn mủn như cơm nước, giặt giũ đã có người giúp việc. Vì vậy, từ khi còn trẻ, tôi chỉ nghĩ mình phải học giỏi, phải trang bị kiến thức để tìm được công việc tốt, lương cao. Có nhiều tiền thì muốn gì chẳng được. Khi sự cố xảy ra, tôi rất lúng túng. Giỏi tổ chức nhưng khi phải thực hiện trực tiếp thì tôi lại không có kỹ năng. Mọi việc cứ rối tung, sinh hoạt đảo lộn… khiến tôi stress và trút hết bực dọc vào chồng con. Gia đình vì thế mà bất hòa”.
Rút kinh nghiệm, khi tìm được người giúp việc mới, chị Anh dành thời gian đọc sách báo để tham khảo những kỹ năng cần có khi làm vợ, làm mẹ; kỹ năng tổ chức đời sống gia đình và tham gia những khóa nấu ăn ở NVH Phụ Nữ. Những ngày nghỉ, chồng chị sốt sắng chở vợ đi học để ngày hôm sau chị lại thực hành nấu món mới cho cả nhà. Nhờ vậy, mỗi lần người giúp việc “đình công”, nhà chị chẳng còn rối ren như trước nữa. Thậm chí cũng không cần người giúp việc thường xuyên, chị thuê giúp việc theo giờ, mọi chuyện vẫn ổn.
Bà Bạch Liên (Q.Tân Bình), người phụ nữ có cuộc hôn nhân “thâm niên” gần 40 năm chia sẻ: “Dù có là người thành đạt đến đâu ngoài xã hội, người phụ nữ vẫn không thể quên lãng thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình. Các ông chồng và cả những đứa con không chỉ có nhu cầu được ăn ngon mà còn có cả ước muốn được vợ, được mẹ chăm sóc. Cuộc sống hiện đại dẫu có nhiều thay đổi, nhưng nhiều giá trị sống trong gia đình của người Việt vẫn không đổi thay. Người giúp việc không thể thay thế vai trò của người vợ trong gia đình. Có thể một món ăn của vợ nấu chưa được xuất sắc, nhưng cả nhà vẫn hạnh phúc với cảm giác được người mình yêu quý chăm sóc. Hơn nữa, nếu không phải là một người vợ đảm đang, các bà mẹ sẽ dạy gì để con gái biết cách xây dựng tổ ấm khi trưởng thành?”.
(Theo PNO)