Giận chồng, Hạnh ‘đẩy’ anh xã vào công tác miền trung 2 tuần để ‘lão ấy chết nắng cho bõ ghét’. Ở cơ quan, Hạnh là sếp nên vô tư ‘trả đũa’ chồng khi có bất hòa.
Cũng dưới quyền vợ (là sếp một công ty quảng cáo), anh Quyền (quận 1, TP HCM) còn khổ hơn. Vợ anh hay ghen. Có cô nhân viên mới đến thử việc, thấy anh bận việc chưa kịp ăn sáng, mua cho anh gói xôi thế mà hôm sau, anh đã không thấy cô này đi làm nữa. Anh hỏi, vợ chỉ đáp: “Cho nghỉ rồi”. Hỏi lý do, vợ “tỉnh queo”: “Thích thì cho nghỉ”.
Mãi sau, anh Quyền mới biết nguyên nhân vì hôm cơ quan đi hát karaoke, cô Trinh này đã song ca một bài tình tứ với anh. Vợ anh “ngứa mắt” và “trù” người ta.
Có vợ làm kế toán nên anh Minh (Ba Đình, Hà Nội) từ ngày kết hôn, chưa biết đến “mặt mũi” lương tháng của mình thế nào. Bởi tháng nào, lương của anh cũng có vợ… lĩnh hộ và ký thay. Ngay cả những khoản thưởng to – nhỏ, anh cũng chẳng dám “ngo ngoe”. Sau đó, vợ phát cho đồng nào tiêu vặt thì anh biết có đồng ấy.
Gần đây, cơ quan anh Minh quyết định trả lương cho nhân viên qua ATM. Nhưng ATM của anh cũng phải “nộp” cho vợ. Tan giờ làm là vợ anh tới tấp gọi điện thoại giục về. Thành ra, anh Minh có muốn trốn vợ la cà cũng chẳng xong. Thứ nhất là tiền túi ít khi được rủng rỉnh. Thứ hai, vợ cứ kè kè như cảnh sát.
Công – tư phải rạch ròi
Không thể phủ nhận lợi ích khi vợ chồng cùng cơ quan, như hiểu và thông cảm cho nhau, biết giúp nhau thăng tiến. Nhưng nếu để chuyện gia đình xen vào chuyện công việc thì năng suất và chất lượng công việc bị giảm sút. Chưa kể những ức chế đan xen giữa việc công – việc tư có thể gây bất hòa. Do đó, người vợ khéo léo và tâm lý đóng vai trò quan trọng. Nếu không, dễ đẩy chồng mình vào cảnh ấm ức, muốn chuyển việc hoặc không muốn về nhà vì cả ngày nhìn thấy vợ ở cơ quan đã… ngán quá.
Người vợ nào cũng muốn chồng “luôn trong tầm mắt”. Vợ chồng làm chung thì càng có cơ hội để thắt chặt quản lý. Nên nhớ, vợ chồng cũng cần những khoảng trời riêng. Gặp ở cơ quan, gặp ở nhà dễ dẫn tới nhàm chán. Có khi, chồng muốn đi chơi đâu đó sau giờ làm cũng không được vì có vợ ở ngay bên cạnh.
Tốt nhất, cần tôn trọng quyền riêng tư và sở thích của mỗi bên. Nếu đối phương thích thể thao, còn bản thân muốn gặp gỡ bạn bè một chút thì nên chiều nhau. Phải đảm bảo mỗi người đều có những giờ phút riêng tư để người này không trở nên chán hoặc bực mình với người kia.
(Theo Me&be)