Nhiều cha mẹ lo lắng khi thấy con trai thích chơi búp bê. Ảnh minh họa: Corbis.com. |
Chị Dung cho biết, chồng đi làm xa, tháng mới về một lần nên mọi việc dạy dỗ con đều do một tay chị. Ở nhà suốt ngày có hai mẹ con quanh quẩn với nhau nên nhiều lúc chị cũng chột dạ, sợ con gần mẹ quá lại thiếu nam tính. Nhìn ngoài trông cu Bin có vẻ mạnh mẽ nhưng thực tình lại rất yếu đuối, sợ làm người khác buồn, sợ không ai chơi với mình. Đặc biệt, bé rất thích đồ trang điểm của mẹ, hay lấy ra nghịch.
“Mua đồ chơi cho con, bao giờ tôi cũng mua xe hơi, máy bay… nhưng bé lại chỉ thích thú nhồi bông, đồ nấu bếp núc của con gái. Bé cũng thích ca hát, ở lớp học bài gì về nhà líu lo hát cho mẹ nghe. Vì thế mà tôi càng lo, là con trai thì phải khác chứ, đằng này…”, chị Dung tâm sự.
Cũng trong tâm trạng lo lắng như chị Dung, bé Sóc nhà chị Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) đã được hơn 5 tuổi nhưng vẫn thích chơi các trò con gái như nhảy dây, thảy gạch, chơi đồ hàng, búp bê… Bé thích quanh quẩn với mẹ, hay thơm mẹ, có thể đứng nhìn mẹ nấu ăn mà không biết chán.
Tính tình Sóc lại hay khóc, sợ ma và những đoạn trong phim gây sợ. Cũng vì thế nhiều khi chị phát cáu, hay đánh đón con vì thấy bé ủy mị giống con gái quá. Bắt con chơi đá bóng với các bạn là mặt bé xị ngay, đi thẳng về nhà nằm dỗi. Thậm chí, cu cậu còn tuyên bố “con thích làm con gái hơn”.
“Con trai gì mà hơi một tý là dỗi, mít ướt. Không vừa lòng cái gì là khóc, nằm lên giường ăn vạ, gục mặt lên tay khóc. Chỉ sợ lớn lên, bé phát triển không bình thường”, chị Giang buồn bã nói.
Tuy nhiên, theo nhà tâm lý Lã Linh Nga, Phòng khám Tuna (phố Vọng, Hà Nội), cha mẹ không cần quá lo lắng vì ở giai đoạn này những biểu hiện ở trẻ chưa thể nói lên điều gì. Trẻ đang trong giai đoạn thích tìm hiểu và phân biệt giới nên với bé chưa có sự phân định rõ ràng con trai, con gái.
“Cái gì trẻ thích thì chơi, chứ đó không phải là bản chất, tính cách. Có thể giai đoạn này, bé thích một trò gì đó của con gái nhưng người lớn đôi khi cứ áp đặt là con gái mới được chơi trò này. Vì thế mà trẻ có suy nghĩ thích làm con gái”, chị Nga lý giải.
Chị cũng đã gặp nhiều trường hợp trẻ khi còn nhỏ thích chơi búp bê, thậm chí mặc váy như con gái nhưng đến khi học lớp 1, 2 thì phát triển hoàn toàn bình thường. Có trẻ học lớp 8 rồi nhưng danh sách bạn toàn là con gái nhưng lên cấp 3 lại thay đổi hoàn toàn. Đây là sự phát triển bình thường ở trẻ.
Ngoài ra, theo chị Nga có thể do thể trạng của bé yếu, không được khỏe mà con trai chơi với nhau hay đánh nhau, bắt nạt nên bé không thích. Hoặc cũng có thể đơn giản vì trẻ không thích trò đánh đấm, bạo lực, chửi bậy, không nghịch nên thích chơi với con gái hơn.
“Cũng có thể do trẻ tiếp xúc nhiều với mẹ, yêu quý mẹ nên bắt chước những gì mẹ làm. Điều này hoàn toàn không phải là biểu hiện thiên về tính nữ”, chị Nga nói.
Vì thế theo các nhà tâm lý, cha mẹ không nên quá cưỡng ép con phải chơi cái này, không được chơi cái kia…, tránh phản tác dụng. Nhưng cũng cần lưu ý uốn nắn và hướng cho con tính độc lập, không mè nheo. Nói cho con những điều cần làm, cần thể hiện mình là người đàn ông trong gia đình. Dần dần bé sẽ cảm nhận được những việc cần làm.
Bên cạnh đó, cần cho trẻ tham gia các hoạt động tập thể, tương tác với nhiều người, học cách hòa nhập với từng đối tượng. Tìm hiểu xem con năng khiếu gì khác, hướng con chơi những trò kiểu con trai…
Tuy nhiên, chị Nga cũng lưu ý với những trường hợp trẻ tỏ ra quá nhạy cảm (cả trẻ trai và trẻ gái), hay xúc động, cảm xúc biểu hiện một cách thái quá trước những tình huống thông thường như bám mẹ quá mức… thì cha mẹ cần đưa trẻ đến nhà tâm lý để được tư vấn. Vì nếu trẻ quá nhạy cảm với môi trường thì sẽ có thể gặp khó khăn trong vấn đề thích nghi.
Nam Phương
(theo vnexpress)