Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho hay, một số hiện vật bằng chất liệu đá sa thạch mềm và hầu hết hiện vật tại bảo tàng độc đáo không chỉ của Đà Nẵng, Việt Nam mà còn của thế giới này đang trong tình trạng bong tróc từng lớp mỏng trên bề mặt. Các chuyên gia của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) có thử nghiệm dùng hoá chất để tăng độ bền vững của bề mặt đá, nhưng đến nay vẫn chưa có sự đánh giá để áp dụng rộng rãi.
Chuyên gia Pháp giúp bảo quản hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Ảnh: HC
Trong khi phương pháp bảo quản còn đang tiếp tục được các nhà khoa học tìm tòi và thảo luận thì việc bảo quan hiện vật đá tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện nay vẫn bằng phương pháp thủ công, chủ yếu chỉ là làm sạch các lớp bụi bám trên bề mặt tượng, chống ẩm và hàn gắn những chỗ rạn nứt.
Được xây dựng vào tháng 7/1915 với sự giúp đỡ của Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện có khoảng 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có gần 500 hiện vật đang trưng bày bên trong nhà Bảo tàng (phân chia thành các phòng trưng bày gồm: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Bình và Bình Định); một số hiện vật trưng bày ngoài sân vườn và hơn 1200 hiện vật hiện đang lưu giữ trong kho.
Hầu hết hiện vật điêu khắc hiện có tại bảo tàng này là những tác phẩm nguyên bản trên 3 chất liệu chính là sa thạch, đất nung và đồng, phần lớn là sa thạch, có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, do các nhà khảo cổ Pháp sưu tập được ở các di tích Chămpa từ Quảng Bình, Quảng Trị tới Bình Định, Kon Tum cách đây hơn 1 thế kỷ và được các nhà khảo cổ VN phát hiện, bổ sung thêm qua các cuộc khai quật ở Quảng Nam, Đà Nẵng từ sau năm 1975.
Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Ảnh: HC
Theo ông Võ Văn Thắng, “Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng” là tên gọi chính thức hiện nay của bảo tàng này theo quyết định hành chính. Tuy vấn đề tên gọi không quan trọng lắm, nhưng nếu có dịp điều chỉnh thì có thể sửa một chút thành “Bảo tàng Điêu khắc Chămpa (thay từ “Chăm” bằng từ “Chămpa”).