Nguyễn Văn Phúc là một họa sĩ trẻ, còn khá lạ lẫm đối với công chúng yêu mỹ thuật Thủ đô. Nhưng tối ngày 14/5 vừa qua tại Art Vietnam (7 Nguyễn Khắc Nhu, HN) anh đã cho thấy suy ngẫm nghệ thuật của anh đã vượt xa tuổi tác thông qua một triển lãm My Name is Happiness? (Tên tôi có nghĩa là hạnh phúc chăng?).
“Phúc” tiếng Việt có nghĩa là hạnh phúc. Nhưng nhìn từ tổng quan con người cho đến những tác phẩm của Phúc trong triển lãm này, nhiều người bảo anh ngang tàng kiểu Đông-Ki-sốt. Anh đã đặt ra câu hỏi thông qua những bức tranh anh đã vẽ “Tên tôi có nghĩa là Hạnh phúc chăng?”
Sinh năm 1978, Phúc là một họa sĩ có tay nghề. Các bức tranh sơn dầu trên toan đã phát lộ một vẻ đẹp trần trụi, không che đậy, thô phác và không êm dịu. Những bản năng của con người được phơi bày cùng những tình cảm hỗn tạp đã giam hãm con người… Vì con người cố vùng vẫy để thoát ra khỏi những tình cảm ấy cho nên hành động của họ có thể nực cười hay chẳng nực cười chút nào vì ở sâu bên trong là một nỗi buồn ghê gớm. Chỉ khi nào con người cố vùng vẫy thoát ra khỏi nó bằng cách đấu tranh, vật lộn nội tâm để đạt cho được cái vô lý thì lúc ấy mới bắt đầu tiến dần đến hạnh phúc. Những bức tranh của Phúc đã thể hiện triết lý ấy.
Cách sử dụng gam màu, hình ảnh trong tranh của Phúc cũng không phải là cái gì đó gây sự khốc liệt, ngược lại rất dịu và trung thực. Điều đó cũng thể hiện chính tính cách và phần nào nội tâm của anh. Dường như bên trong cái vẻ rụt rè, hiền khô ấy là một thế giới khác, một thế giới đầy giằng xé để vươn tới một cái gì đó tốt đẹp hơn.
Phúc chia sẻ: “Điều tôi muốn gửi gắm trong những bức tranh trong triển lãm này chính là hướng đến sự tự do của con người. Con người muốn có hạnh phúc phải có tự do, nhưng trong cuộc sống này còn quá nhiều rào cản… ngay cả trong bản thân mình cũng có những sức ì, sự ấu trĩ khiến con người ta khó có thể vượt qua được… Chính bởi thế, con người bị đặt trong một không gian rất lạnh lùng và cảm giác cô độc”.
Phúc học ĐH Mỹ thuật Hà Nội, tốt nghiệp năm 2003. Từ 2003 đến 2006, anh không vẽ nhiều, 2006 có thể nghiệm một số loại hình sắp đặt và vẽ tranh lại. Thời gian đầu khi quay trở lại với việc vẽ tranh, Phúc cảm thấy rất khó khăn, bởi phải tìm kiếm cho mình một phong cách, một hướng đi. Bên cạnh đó, Phúc cũng thú thật rằng, cuộc sống mưu sinh đã gây cản trở khá nhiều trên con đường nghệ thuật của anh. “Mình đã rất tự ti và chỉ có thể tự tin khi đối diện với chính nó để mong sao mở ra được một hướng đi mới cho mình. Đó là hạnh phúc của mình chăng. Hy vọng là thế” – anh tâm sự.
Nguyễn Lê Thư
(theo thethaovanhoa)