Chia đôi gánh nặng cơm áo
Thursday, June 17, 2010 9:14
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
PGS.TS Lê Thị Quý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và phát triển:
Chỉ nên ở nhà tạm thời
Hiện nay, ở nhà làm “nội tướng” thường là những người không phải bận tâm đến chuyện tiền nong và vì gia đình… Việc người phụ nữ ở hẳn nhà là chuyện thường tình, rất ít nam giới chịu ở nhà làm “ông nội trợ”, phần lớn họ ở nhà là do thất nghiệp. Tuy nhiên, dù là phụ nữ hay nam giới, việc phải ở nhà làm “nội tướng” chỉ nên tạm thời, sau khi ổn định công việc gia đình thì nên đi làm.
Trong trường hợp buộc phải ở nhà, người “nội tướng” cần phải phân công công việc cho chồng hoặc vợ để người đó cùng tham gia công việc nhà. Tình yêu thương, sự hiểu biết khiến người đó biết tạo điều kiện để bạn đời phát huy khả năng và chẳng so bì ai hơn, ai kém trong một nhà.
Chuyên gia tâm lý Minh Tâm – Trưởng phòng tư vấn Trung tâm Ngàn Phố:
Tâm lý đàn ông “nặng nề” hơn
Khi quyết định một trong hai nghỉ ở nhà, hai người cần phải trò chuyện trao đổi với nhau để hiểu vì sao người kia lại muốn người bạn đời của mình phải ở nhà như vậy. Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân, vợ chồng nên có sự thương lượng, thỏa thuận với nhau. Người vợ hoặc chồng có thể đưa ra thời gian cho những thỏa thuận của mình, ví dụ trong thời gian 3 tháng thực hiện thỏa thuận: Nếu tâm lý của vợ chồng tốt hơn khi buộc phải ở nhà thì cũng nên tôn trọng những quyết định của nhau, tránh gây ức chế. Tốt nhất, vợ chồng phải có sự chia sẻ, trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau.
Với người đàn ông phải chịu cảnh ở nhà làm “ông nội tướng”, tâm lý thường đè nặng. Họ thường coi trọng vai trò trụ cột. Nếu người chồng quá coi trọng vấn đề này thì việc tìm một công việc tự do là cách giúp họ giải tỏa bớt những căng thẳng trong suy nghĩ của họ.
TS Ngô thanh Hồi – GĐ BV tâm thần ban ngày Mai Hương:
Nên làm việc bán thời gian
Không phải ai ở nhà làm nội trợ, chăm con cũng trở nên lạc hậu, bị stress, gia đình hục hoặc… mà có những người thật sự hạnh phúc với vai trò này. Điều quan trọng là sự khéo léo của hai vợ chồng. Nếu vợ hoặc chồng quyết định ở nhà chăm con thì cần xác định tâm lý trước. Không nên cắt giao tiếp với mọi người, coi công việc gia đình là tẻ nhạt, vô dụng vì công việc nào cũng quan trọng. Điều cốt lõi, người chồng hoặc vợ ở nhà làm “nội tướng” cảm thấy có nguồn vui với công việc đó.
Tuy nhiên, hai vợ chồng không nên nghĩ rằng khi mình làm ra kinh tế, có thể đảm bảo cuộc sống của cả gia đình thì nhất thiết buộc người kia ở nhà lo nội trợ, con cái. Có thể tạo cho người ở nhà một công việc vừa chăm gia đình vừa có thu nhập như mở cửa hàng tại nhà, làm công việc bán thời gian. Nếu có điều kiện, vợ hoặc chồng cần tạo điều kiện cho nhau đi làm trở lại, có như vậy mới giải quyết được vấn đề tư tưởng cho vợ/chồng. Và cũng là để đảm bảo được hạnh phúc gia đình lâu dài.
TS Trịnh Hòa Bình- Viện xã hội học:
Đe dọa sự bền vững của gia đình
Trong xã hội công nghiệp như hiện nay, ngoài việc chăm sóc gia đình, người phụ nữ cũng như đàn ông đều muốn đóng góp công sức, khẳng định mình với xã hội và gia đình. Dù chỉ làm công nhân, nhân viên văn phòng với lương tháng không cao nhưng công việc đó sẽ giúp họ khẳng định bản thân. Với chị em, thu nhập nhỏ đó có thể giúp tự xoay xở được cho một số nhu cầu tối thiểu như: Mua quần áo, quà bánh biếu cha mẹ, ăn quà vặt… mà không phải xin tiền chồng. Điều này rất có ý nghĩa, vì vợ không bị chồng, gia đình chồng xem là “tầm gửi” và quan trọng hơn là không rơi vào mặc cảm bị lệ thuộc chồng.
Những người nghỉ việc ở nhà thường có tâm lý tiếc nuối, ân hận, buồn bực và chính điều đó ảnh hưởng đến tính tình, đến cách đối xử với chồng con, đến hạnh phúc gia đình. Nhiều người vì quá ức chế đã giải thoát cho mình bằng cách ngoại tình hoặc tìm đến ly hôn. Người kia không chia sẻ hoặc coi thường người ở nhà sẽ làm cho họ rơi vào trạng thái mất cân bằng, stress, trầm cảm không có thời gian nghỉ ngơi. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, hạnh phúc của từng gia đình. Vì vậy, hai vợ chồng cần có công việc. Khi thỏa mãn về cả vật chất và tinh thần, con người sẽ sống lâu hơn.
Phương Thuận
(theo giadinh)