Mới sáng sớm chớ vội diện kiến mấy bà chị hàng tôm, hàng cá mà coi chừng… “lãnh đạn”. Tốt nhất nên ghé vào một quán cà phê cóc nào đó làm một chầu thư giãn. Phải tranh thủ cái thời khắc hiếm hoi và đắc địa này mà sống cho thỏa kiếp làm trai. Tà tà uống cà phê, đọc báo, kiếm thêm thứ gì đó điểm tâm thì càng tốt, đến khi thấy “năng lượng” đã được nạp đầy (Tiền ư? Trích từ kinh phí đi chợ chứ đâu), thì vươn vai đứng dậy bước vào trận địa.
Chợ ở xóm tôi là cái chợ tự phát, nhóm họp trên một đoạn đường nhựa liên phường. Do nắm vững địa bàn nên tôi luôn lập trình thứ tự những thứ cần mua, để có thể rề xe mua tuần tự món nào trước món nào sau, sao cho chỉ cần đi hết chiều dài phía tay mặt, rối vòng sang bên kia quay ngược lại là khép kín một quy trình.
Nghệ thuật đi chợ
Điều đại kỵ đối với thân trai đi chợ là tính tò mò, muốn tránh tai bay vạ gió thí chớ có sà vô hỏi cái này bao nhiêu, cái kia là mấy rồi tạt ngay sang hàng khác (bảo đảm sẽ lãnh đủ “dân ca ba miền”).
Thế nên, muốn mua thịt hay cá thì trước khi tắp xe vô nhất thiết phải sửa cho khuôn mặt thật tươi, rồi đột ngột giả bộ sửng sốt, đại loại như: “Chui cha! Thịt này, cá này ở đâu ra mà tươi ngon rứa. Này chị ơi thứ này nhiêu một ký?”. Người bán sẽ vui vẻ nói giá, ngặt nỗi trong cái menu cầm tay, những món này chiếm một thị phần không đáng kể, làm sao đây? Chả làm sao cả! Hãy xoa xoa tay, cười cười: “Ồ! Xin bà chị cắt cho hai lạng, chả là hôm nay chỉ mình tôi ăn mặn, bà xã ăn chay…”. Bảo đảm mua thế chứ mua ít hơn nữa cũng được tặng thêm nụ cười tươi roi rói.
Thế nên, muốn cho nghiệp chợ búa “công thành danh toại”, cánh mày râu nên nhớ nằm lòng: (tất cả các bà các chị hàng thịt, hàng rau, hàng cá… đến hàng… hàng… các chủng loại khác đều là mẫu – í quên – hoa hậu, người mẫu), lúc nào cũng phải tôn xưng, ca ngợi họ. Tỷ dụ như muốn mua con cá nhỏ bằng nửa cổ tay, cũng phải tán: “Trời ơi! Hổm rày kiếm mỏi mòn mà hôm nay mới gặp loại này, bà chị bán rẻ cho một con về ăn thử xem ra răng nhé!”. Đức khiêm tốn, hạ mình, luôn tôn xưng người khác là yếu tố thành công vượt bậc trong chốn chợ đời.
Nhờ thế mà có lần tôi được một bà bán rau dúi cho ba bốn mớ, khoát khoát tay: Cứ mang về, lần sau tính, lại còn móc ra gói batto: “Xơi điếu thuốc, anh sui!”.
Nói cho ngay, đàn ông đi chợ cũng có cái lợi thế riêng, ít ai trả giá, chả ai ngó cân. Mà có muốn chả, muốn ngó… gì gì đi nữa thì cũng bó tay, vì mua gian bán lận là chuyện thường ngày… ở chợ. Thế nên, hãy luôn là “con nai vàng ngơ ngác”, để mấy bà mấy chị… hàng… hàng… cảm thông cho thân phận đàn ông đàn ang, mà cân dư bán đủ, hàng tươi hàng tốt, lắm khi lại rẻ nữa chứ. Để khi về diện kiến “mẫu hậu” ở nhà, ta có thể nở mày nở mặt.
Năng khiếu bẩm sinh
Có thể nói hầu như đàn ông được sinh ra là đã có năng khiếu bẩm sinh làm… nội trợ.
Đấy nhé! Cứ nhìn xem bếp trưởng của các nhà hàng, khách sạn 3,4,5… đến gì gì sao là ai nhỉ? Quí vị đã một lần xem chương trình ẩm thực “Yan Can Cook” trên ti vi, thì người đầu bếp khiến hàng triệu quí bà, quí cô toàn thế giới đắm say như bị bỏ bùa yêu, là ai nhỉ…?
Nói đâu xa, chỉ ở ta như trong giới làm tóc thì cây kéo vàng, bạc, đồng mấy năm nay thuộc về ai? Còn thiết kế thời trang cho phái đẹp, thì giới mày râu chả luôn chiếm ưu thế áp đảo trong ngành này đó hay sao…
Thế nên, khi được vợ sai đi chợ thì nên mừng chớ có chi đâu mà ái ngại. Như đã phân tích ở trên, đó là địp vô cùng hiếm hoi để ta tìm lại cái “bản năng gốc” của mình. Cái thiên chức tạo hóa đã ưu ái ban phát cho đàn ông, mà ta đã vô tâm làm cho mai một.
Thế nên, hôm nào mưa gió bão bùng hay ốm đau chi đó mà không đi chợ được, hôm nào mà sáng sáng không thể hắng giọng: “Em ơi! Hôm nay ăn gì nhỉ”. Là y như rằng tôi cứ bồn chồn bứt rứt suốt cả ngày.
Đang “rầu thúi ruột” lại bị bà xã chọc yêu nữa chứ. Bả ru cháu thế này:
… À… ơi…
Đàn bà đi chợ có đôi
Đàn ông đi chợ… mồ côi… một… mình…
(Theo KTĐT, dantri)