Tàu thăm dò vũ trụ Hayabusa của Nhật Bản đã tiến vào tầng trên cùng của bầu khí quyển ngay sau 13h50 (giờ GMT ngày 13/6), tạo ra một quả cầu lửa lớn sáng rực trên bầu trời miền nam Australia.
Các nhà khoa học cho biết họ đã xác định được địa điểm “hạ cánh” của hộp chứa mẫu vật của Hayabusa tại Woomera, Australia.
Tàu thăm dò Hayabusa được phóng lên tiểu hành tinh Itokawa vào năm 2003 và đã “viếng thăm” tiểu hành tinh hình của khoai tây, dài 500m này 3 tháng vào năm 2005. Tàu chính, cùng với khoang thu mẫu vật, lẽ ra đã trở về trái đất vào năm 2007, nhưng hàng loạt những trục trặc kỹ thuật đã khiến chuyến trở về bị trễ mất 3 năm.
3 tiếng trước khi Hayabusa bắt đầu lao vào tầng khí quyển của trái đất, nó đã đẩy khoang chứa mẫu vật ra phía trước. Tàu thăm dò chính đã bị phá huỷ khi lao xuống, tạo ra một màn trình diễn ánh sáng tuyệt đẹp trên bầu trời Australia vào ban đêm.
Còn khoang chứa mẫu vật được trang bị “lá chắn” đặc biệt khiến nó có khả năng chịu được nhiệt cao lên tới 3.000 độ C.
Dự kiến sáng nay, khoang chứa mẫu vật sẽ trở về trái đất. “Ngày mai (thứ hai) hoặc ngày kia, chúng tôi sẽ tìm thấy khoang chứa mẫu vật. Có thể có một ít bụi hoặc một ít mẫu vật trong khoang chứa”, Yoshiyuki Hasegawa, đồng giám đốc điều hành cơ quan nghiên cứu vũ trụ JAXA của Nhật cho hay.
Theo ông Hasegawa, khoang chứa mẫu vật này sau đó sẽ được một chuyên cơ đưa về phòng thí nghiệm của họ ở Nhật. Tại đây, các nhà khoa học sẽ phân tích các mẫu vật và dự kiến quá trình này sẽ mất vài tháng. Các nhà khoa học Nhật hiện tin tưởng Hayabusa đã lấy được mẫu vật trên Itokawa.
Nếu mẫu vật được đưa về, thì chúng sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin mới cho chúng ta về lịch sử ban đầu hình thành Hệ mặt trời và các hành tinh hơn 4,5 tỷ năm trước. Sở dĩ đất đá trên trái đất không cung cấp được những thông tin này là do trái đất đã được “tái sinh” rất nhiều lần.
(theo dantri)