Các mối quan hệ làm giàu cho cuộc sống của mỗi người (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Tuy nhiên, không ít phụ nữ sau khi lấy chồng đã tự “làm nghèo” mình đi.
Các chị “bỏ cuộc chơi”, không còn mặn mòi với bạn bè, đồng nghiệp và cả với gia đình mình. Bao nhiêu tình yêu thương, bao nhiêu sự quan tâm chăm sóc, các chị dồn hết vào “một giỏ” – chồng con.
Tất cả cho chồng
Không lấy chồng thì thôi, đã lấy chồng thì phải hết lòng hy sinh cho chồng. Hy sinh đầu tiên của chị Kim Nguyên là phải chuyển chỗ làm vì công ty cũ ở xa nhà, công việc kế toán lại đòi hỏi quá nhiều thời gian. Ở công ty mới, trừ tám giờ hành chính, thời gian còn lại, chị Nguyên cắm chốt ở nhà. Chị thật sự là mẫu người phụ nữ của gia đình và chỉ vì gia đình. Làm nửa năm, chị chỉ biết mặt ban giám đốc, bốn nhân viên cùng phòng và vài người liên quan đến công việc của chị. Đồng nghiệp ở công ty cũ rủ rê đi du lịch, sinh nhật, đám cưới… chị đều từ chối: “Mình bận lắm, xin lỗi, hẹn lần sau”. Trước đây, hễ ai tổ chức tiệc tùng, ăn chơi là đều có mặt Kim Nguyên, giờ chị thay đổi hoàn toàn khiến đồng nghiệp cụt hứng và ghét lây luôn chồng chị. Đến khi có con, chị càng đứng ngoài những lời mời mọc. Thấy vợ cứ ru rú ở nhà, chồng chị nhắc chị nên đi chơi cho khuây khỏa, chị chỉ cười: “Chồng nói vậy thôi, chứ vợ biết chồng không thích vợ giao du bên ngoài đâu, phải không?”.
Kết hôn năm 2000, chị Mai Liên mang theo lên xe hoa lời dặn dò xuất giá tòng phu của mẹ. Mẹ chị sợ con gái ham vui, ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà, không khéo vợ chồng sống chung chưa được bao lâu lại đưa nhau ra tòa ly hôn như mấy đứa cháu họ. Không ngờ, chị nghe lời đến nỗi suốt năm chẳng về thăm mẹ lấy một lần, dù quê nhà không xa lắm (mẹ chị ở Bình Thuận, vợ chồng chị sống ở TP.HCM). Nhớ mẹ, chị chỉ gọi điện thoại hỏi thăm. Mẹ bệnh chị lo lắng nhưng cũng không về, chỉ nhờ anh chị ở gần chăm sóc. Thật ra, chị Liên chỉ bán hàng ăn sáng tại nhà, có nghỉ bán cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Kinh tế gia đình cũng không đến nỗi chạy ăn từng bữa. Biết chồng có tính hay ghen, chị chẳng dám đi đâu, chẳng dám chơi với ai.
Rủ chồng về quê, chồng nói bận, nói mệt. Chị Liên xin về một mình, chồng lại nghi ngờ vợ lợi dụng cơ hội gặp gỡ người bạn trai thời học phổ thông cùng quê. Tranh cãi không được, chị đành ở nhà cho êm. Thời gian đầu phải bó rọ ở nhà, chị cũng rất khó chịu, nhưng dần thành quen. Chị nhủ lòng: “Có chồng tốt, mình dành tất cả cho chồng cũng xứng đáng. Được chồng con thương là đủ rồi, cần gì ai nữa”.
Thời gian đầu, cuộc sống của những người vợ “tất cả cho chồng” ấy luôn ổn. Vợ cũng được chồng rất mực quý yêu. Khi vợ dồn hết thời gian, công sức, tình cảm, tiền bạc… vào gia đình riêng, chồng là người được hưởng lợi nhiều nhất. Là tiêu điểm duy nhất của vợ, người chồng thực sự an tâm, tự hào và khuyến khích vợ phát huy. Vợ cúc cung tận tụy, chồng vui vẻ, hài lòng. Cuộc sống gia đình cứ thế trôi qua trong sự bình yên.
Tuy nhiên, đó lại là sự bình yên tiềm ẩn những nguy cơ bất bình quyền, khiến cả vợ và chồng ngày càng không cảm nhận được hạnh phúc. Người chồng – khi trở thành “nhân vật quan trọng” sẽ tự cho mình cái quyền đi nhậu, đi chơi, cặp bè cặp bạn. Cũng không loại trừ việc sa đà ong bướm. Từ chỗ không sợ mất vợ, chồng không cần hoàn thiện mình.
Cuộc sống của người phụ nữ chỉ biết chồng con thì chẳng khác gì sống trong ao tù, gò bó, đơn lạnh, tẻ nhạt. Người vợ chạnh lòng thấy sự hy sinh của mình không được chồng đền đáp xứng đáng. Vợ luôn cảm thấy thiếu thiếu điều gì, hình như là những phút giây lãng mạn bên nhau. Vợ chợt thèm khoảng trời rộng mở. Vợ chợt thèm tâm sự, chia sẻ với cha mẹ, với chị em ruột, với cô bạn làm chung, với anh bạn cùng câu lạc bộ… Nhưng, mối quan hệ vòng ngoài từ lâu không được nuôi dưỡng, trở nên lạt lẽo, ngại ngùng. Người chồng phản ứng vì thấy vợ đột ngột có biểu hiện hướng ngoại. Chồng đặt dấu chấm hỏi với các mối quan hệ vốn trong sáng và đáng quý của vợ. Khi chồng bạo lực hoặc gây tổn thương, vợ chỉ biết than thân trách phận, đơn độc, không biết cầu cứu ai.
Cân bằng các mối quan hệ
Các mối quan hệ bên ngoài và quan hệ vợ chồng luôn bổ sung, hỗ tương cho nhau. Nhìn bề ngoài, có vẻ như mối quan hệ vợ – chồng và mối quan hệ riêng của vợ/chồng luôn tồn tại những mâu thuẫn, nhưng nếu chỉ chăm bẵm vào chồng con, cho đó là lẽ sống duy nhất của đời mình, người phụ nữ sẽ rơi vào thế như đứng trên kiềng một chân, rất dễ mất thăng bằng, sụp đổ. Đầu tư vào hạnh phúc mà luôn phải canh cánh phòng hờ rủi ro thì liệu có ổn? Thế thì còn đâu niềm tin vào sự bền vững của gia đình?
Bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh (Giám đốc điều hành và huấn luyện của Trung tâm thẩm mỹ y khoa Hoàng Hạc, Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi từng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân bị sa sút tinh thần, trầm cảm, muốn hủy hoại bản thân vì mất điểm tựa duy nhất – người chồng. Trải nghiệm của họ nhắc nhở chúng ta phải biết xây dựng nhiều mối quan hệ trong sáng để làm phong phú thêm cho cuộc sống. Gái có công, đôi khi chồng vẫn phụ. Giả sử chồng xa rời bạn, thì những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, học trò… sẽ là chỗ dựa tinh thần, là lối thoát để bạn tìm lại ý nghĩa cuộc sống, lấy lại thăng bằng và sự thanh thản của tâm hồn. Bạn sẽ thấy vẫn còn nhiều người bên cạnh mình và mình vẫn cần cho nhiều người”.
Chồng chị Mai Liên (ở câu chuyện trên) luôn đòi hỏi chị phải toàn tâm toàn ý với chồng, nhưng bản thân lại lăng nhăng với nhiều cô gái khác. Sau chín năm dốc sức phụng sự cho chồng, chị Liên hoàn toàn suy sụp trước lời đề nghị chia tay của người đầu ấp tay gối. Chồng chị bỏ chị để theo một cô gái trẻ, nhưng anh ta lại “kết án” chị: “Cô sống lạnh lùng, không có tình có nghĩa, chẳng ai chơi được với cô. Với nhà chồng, cô chẳng giao thiệp, kết thân, xa cách như người dưng nước lã. Mẹ ruột cô bệnh, cô còn không lo; mai sau lỡ tôi sa cơ thất thế, chắc cô cũng chẳng thèm ngó đến”! Gãy gánh hôn nhân, chị Liên cô đơn, bế tắc. Nuôi ý định kết thúc cuộc sống, chị gọi đến tổng đài 1088 và may mắn được chuyên viên tâm lý trấn an, động viên.
Chị Kim Nguyên cũng đã nhận ra giá trị của việc thiết lập, duy trì mối quan hệ từ một lần chồng chị bị tai nạn giao thông phải điều trị dài ngày. May mắn, chị được anh chị em, bằng hữu xúm lại chung lo. Người thức canh ban đêm ở bệnh viện, người lo cơm nước, người đưa rước con đi học, người góp tiền thuốc men… Ngày chồng chị xuất viện trong vòng tay yêu thương của đại gia đình, chị Nguyên khóc ròng, giọt nước mắt của lòng tri ân pha chút hối lỗi vì trước kia chị đã sống thờ ơ, khép kín.
Trong cuộc sống vợ chồng, tất nhiên bạn phải xem vợ/chồng là chỗ dựa vững chắc nhưng cũng đừng vì thế mà tự đánh mất chỗ đứng của mình trong lòng những người khác, đánh mất những vốn quý mà mình đã và sẽ sở hữu.
(Theo PNO, afamily)