Khi kết hôn với anh Hiếu, chị Mai không nghĩ rằng sẽ có ngày mình phải vừa làm vợ, vừa làm chồng, mệt mỏi và căng thẳng như vậy. Đến khi một mình gây dựng sự nghiệp, chị cũng không ngờ công sức của mình sẽ có ngày xuống sông xuống bể vì người chồng bội bạc.
Chị Mai và anh Hiếu có gần 2 năm yêu nhau tha thiết. Chị là giáo viên dạy toán còn anh là kĩ sư xây dựng. Ra trường, cả hai kết hôn bằng một đám cưới ngập tràn hạnh phúc.
Có với nhau hai đứa con nếp tẻ đủ cả thì tai họa bỗng chốc ập đến với gia đình chị. Trong một lần đi xây dựng công trình ở vùng cao Yên Bái xa xôi, anh Hiếu bị tai nạn, mất sức lao động, không còn được đi công trình như trước nữa.
Mọi nguồn thu trong gia đình trước đây phần lớn dựa vào anh Hiếu thì nay bỗng chốc tiêu tan. Đồng lương giáo viên của chị Mai giữa thời buổi lên giá chóng mặt của các loại hàng hóa như hiện nay cùng với chi tiêu để lo cho một người chồng bệnh tật và nuôi cả bố mẹ chồng như “muối bỏ bể”.
Đã thế, anh Hiếu từ ngày bị thương lại sinh cáu bẳn, thay tính đổi nết. Mỗi khi ngoài giờ dạy học, thấy chị chạy chợ để kiếm thêm đồng ra đồng vào cho con, anh đâm nghi ngờ ghen tuông và thường xuyên đánh đập chị.
Nhìn cảnh gia đình chồng như vậy, nhiều người khuyên ngăn chị nên “bỏ quách” để lập lại gia đình mới chứ hàng ngày chịu đựng cảnh chì chiết, ghen tuông của người chồng thương tật cũng chỉ càng thêm héo hon. Nhưng nghĩ tình nghĩa bao năm, cộng thêm hai đứa con dù sao cũng phải có bố, chị Mai vẫn cắn răng chịu đựng.
Biết rằng chồng vẫn còn tình cảm với mình, chỉ vì mặc cảm không làm ra tiền cho vợ nên mới thay tính đối nết như vậy, chị Mai quyết tâm phải lao vào làm giàu, kiếm tiền để thay đổi cuộc sống, cũng là để chữa trị bệnh tật cho chồng.
Bản tính thông minh, hay lam hay làm cùng với trình độ của một cô giáo dạy toán khiến chị Mai nhạy cảm nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh. Sẵn gia đình nhà chị trước có sản xuất đồ gốm sứ, cùng với số tiền được bồi thường về thương tật của chồng, chị Mai quyết định bỏ nghề dạy học, lao vào kinh doanh đồ gốm thủ công mỹ nghệ.
Cùng với sự khéo léo của một người xuất thân từ nghề giáo, cửa hàng của chị Mai ngày càng hút khách, được bạn hàng và khách hàng tín nhiệm tìm đến. Năng động, nhạy bén, chị quyết tâm mở rộng địa bàn hoạt động của mình và xuất khẩu ra các nước trong khu vực.
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, xưởng thủ công mỹ nghệ của chị dần trở thành một cơ sở lớn trong vùng với hàng trăm công nhân. Chị Mai trở thành một nữ doanh nhân thành đạt với những chuyến công tác và kí kết hợp đồng thường xuyên. Sợ chồng cho rằng mình bị “lép vế”, chị đổi tên cơ sở thành công ty và giao quyền đứng tên phó giám đốc cho chồng.
“Công em xúc tép nuôi cò”
Từ ngày gia đình làm ăn phát đạt, có của ăn của để và điều kiện kinh tế để chữa bệnh, trông anh ngày càng trẻ trung, phong độ ra. Không khí gia đình cũng luôn vui vẻ vì không còn những tiếng bấc tiếng chì khi anh Hiếu say rượu nữa.
Song, có ai ngờ đó lại chính là dấu hiệu báo sự tan vỡ.
Được vợ giao cho chức Phó giám đốc, nắm “quyền sinh quyền sát” trong tay, lại đang trong độ tuổi “hồi xuân”, anh Hiếu luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Vợ thường xuyên đi công tác xa nhà, lại là “cấp trên” nên không biết từ bao giớ anh đã không còn thói quen muốn gần gũi vợ. Đích ngắm của anh là những em nhân viên kinh doanh trẻ trung trong công ty. Trong đó, nổi bật là Thảo – đứa “cháu” cùng quê chị Mai.
Tin tưởng vào cô cháu cùng làng vốn ngoan ngoãn hiền lành nên chị Mai đưa Thảo từ quê ra làm nhân viên thu ngân, tiện thể học thêm trung cấp kế toán.Thậm chí, chị còn không nghi ngờ giao chìa khóa nhà cho Thảo để “thỉnh thoảng cô đi vắng qua dọn dẹp nhà cửa, trông nom chú và các em hộ cô, ở nhà có chuyện gì thì cứ báo cho cô biết”.
Ngay cả khi, một số nhân viên trong công ty xì xào về sự thân thiết quá mức giữa hai “chú cháu” thì chị Mai cũng gạt đi vì nghĩ rằng “con bé ấy ngố tàu biết cái gì”. Chỉ đến khi Thảo xin nghỉ làm vì cái bụng đã to đến 6 tháng và anh Hiếu thừa nhận đó là con của anh thì chị Mai mới ngất lên ngất xuống vì quá bất ngờ.
Đau đớn hơn, anh Hiếu còn làm đơn ly dị bắt chị Mai kí và bắt chia đôi tài sản vì rõ ràng là bên một cô “vợ hờ” kém gần nửa số tuổi thì không người đàn ông nào có thể “vô trách nhiệm”. Anh còn tự tin rằng với một nửa số gia sản được chia anh đủ sức để nuôi hai mẹ con “vợ hai” đến suốt đời.
Vậy là bao công lao gây dựng sự nghiệp của chị Mai bỗng xuống sông xuống bể bởi dù anh chẳng làm gì thì trên giấy tờ vẫn là Phó giám đốc kinh doanh. Và vì thế tài sản anh được hưởng cũng gần bằng chị.
Đến lúc này, chị Mai mới thấm thía câu nói của ông cha “công em bắt tép nuôi cò..”. Nhưng vẫn còn may, bên chị vẫn còn sự động viên của con cái và những đồng nghiệp tin cậy khiến chị có đủ niềm tin để gây dựng lại sự nghiệp.
Tuệ Minh
Theo Eva.vn