Theo Đông y, quả vải đặc tính đại nhiệt (hạt vải còn nhiệt hơn cả cùi vải nên cần thận trọng khi làm thuốc). Cùi vải vị rất ngọt không độc (có tài liệu viết có độc có lẽ do tính quá ngọt nóng của vải).
Vải có tác dụng ích tâm, ôn tỳ, tư thận, bổ huyết, dưỡng can, trừ phiền khát, làm tỉnh táo tinh thần, minh mẫn trí óc, tăng sức lực, tăng thân nhiệt, trừ hàn, tráng dương, tiêu thũng, làm đẹp nhan sắc.
Quả vải thường được dùng dưới hai dạng tươi và khô. Để ăn dùng cả hai dạng, để làm thuốc thường dùng dạng khô. Cả hai cách dùng để ăn và làm thuốc, tươi hay khô, đều phải có liều lượng. Dùng có chừng mực, thì mới đem lại lợi ích và tránh được điều không mong muốn. Nếu cho thuốc nhiệt (vải) vào bệnh nhiệt, là lửa đỏ đổ dầu thêm, nên có hại! Vải chỉ gây hại cho cơ thể thường là do người khỏe, ăn quá nhiều hoặc không biết tạng mình nhiệt không thể hợp tính nóng của vải và người bệnh không biết kiêng kỵ khi đang có bệnh thuộc dương, có hỏa nhiệt, âm hư hỏa vượng đường huyết cao (thì không nên ăn vải).
Như chúng ta đã biết “vải nóng” nếu ăn nhiều sẽ phát ra các bệnh viêm nhiệt như trẻ em ngứa, nhiều rôm sảy, mụn nhọt, trằn trọc khó ngủ, táo. Người dân Trung Quốc có câu ví “Một quả vải bằng 3 bó đuốc”. Giới y dược Đông phương nói, vải gây “bốc hỏa”, có thể dẫn đến “chứng bệnh lệ chi” (say vải) với các chứng hồi hộp, choáng váng, nhức đầu… thường xảy ra ở những người khỏe mạnh ăn quá nhiều vải một lúc. Có trường hợp co giật. Sách Bản thảo tụng tân đã viết: Ăn vải quá nhiều sẽ bị phát sốt, phiền khát… sưng chân răng, chảy máu mũi… Người tạng nhiệt có bệnh nhiệt không nên ăn vải.
Một số công dụng chữa bệnh từ vải:
1. Suy nhược thần kinh và thể lực kể cả liệt dương
- Vải tươi 500g-1.000g ngâm vào một lít rượu 7-10 ngày. Uống vào chiều tối, mỗi lần 25-30ml.
- Vải khô 10 quả: ăn vào chiều tối trong một thời gian 1-2 tháng. Tốt nhất vào các mùa mát lạnh thu đông.
2. Đau bụng, tiêu chảy cấp mạn, tỳ hư gây ngũ canh tiết tả (đi ngoài lỏng sáng sớm). Nấu cháo vải khô 5-10 quả. Có thể cho thêm các vị như hoài sơn, hạt sen 10g, bạch biển đậu 10g.
3. Sa dạ con. Dùng cùi vải tươi 500g sắc uống, hoặc ngâm rượu uống.
Dạ con sau đẻ lâu co: Cùi vải khô 10 quả sắc uống.
4. Đậu, sởi không mọc – cùi vải khô 16g sắc uống.
5. Hôi mồm: Cùi vải khô nhai ngậm.
6. Mụn nhọt sưng tấy: Cùi vải tươi hoặc khô giã nhuyễn với ô mai đắp.
7. Nấc lâu không khỏi: 7 quả vải đốt tồn tính nghiền nát uống với nước nóng (loại trừ nấc hàng tuần trong một số bệnh nan y…).
8. Khô cô khản họng ở ca sĩ, giáo viên: Hàng ngày nhai ngậm vài cùi vải khô để bảo dưỡng thanh đới. Không dùng khi có viêm nhiệt, kèm răng lợi chảy máu.
9. Tim đập nhanh mạnh (hồi hộp) thở nhanh khi gắng sức: ngâm cùi vải khô hoặc vải khô nấu nước để uống.
10. Đau mỏi vai, lưng, đau bụng do lạnh: Sắc vải tươi hoặc vải khô để uống.
Chữa các chứng bệnh do ăn vải gây ra: Lấy vỏ quả vải sắc uống hoặc uống cốc nước chanh nóng.
BS. Phó Thuần Hương
(Theo suckhoe & doisong)