Chuyện của Mít
Bố mẹ Mít bận đi làm cả ngày, nên mọi việc trong nhà của hai anh em Mít đều do cô Chí – người giúp việc đảm nhiệm cả. Từ việc chuẩn bị bữa ăn sáng, cho hai anh em đi học, tắm rửa, ăn cơm học bài, tất cả đều nhờ cô Chí hết.
Em Mít bé hơn rất yêu quý cô Chí, vì cô trông nom suốt ngày. Còn Mít mới học lớp 1 nhưng đã ra cái quyền “oai” với người giúp việc.
Oai đầu tiên là ko chịu gọi cô bằng cô, chỉ gọi độc một tên “Chí”. “Chí, tắm”, “Chí, ăn cơm”, “Chí, mắc màn đi ngủ”. Mà mỗi lần Mít gọi rất to, cả khu tập thể đều nghe thấy.
Nhưng cái oai sau còn tai quái hơn. Một lần, Mít để dành gói bim bim trên bàn học, hôm sau không thấy đâu. Mít đổ ngay cho cô Chí đã ăn vụng, khóc bù lu bù loa lên với bố mẹ. Bố mẹ hỏi ngọn ngành, cô Chí bảo là không ăn. Hóa ra là em Mơ mang sang nhà hàng xóm.
Ngượng ngùng với hành động của mình, Mít lại giải thích: “Chẳng nhẽ con lại bảo là bố mẹ hay em ăn vụng, thế nào cũng bị đánh cho. Nhà mình có Chí là người giúp việc, đổ cho cô ấy thì không làm sao”.
Còn rất nhiều chuyện Mít đối xử với cô giúp việc chẳng ra thế nào. Mùa hè nóng nực, bố mẹ bảo cô ngủ chung với Mít cho mát, đằng nào cũng bật hẳn một cái điều hòa. Mít chê cô nhà quê, hôi, khó chịu… không thèm ngủ. Ấy thế mà cô Chí bế em Mơ cả ngày, chẳng thấy em làm sao, vẫn thơm phức mùi sữa.
Bé Mít quá hư
Mít và rất nhiều các bạn nhỏ khác đều có thái độ coi thường các bác ô sin hay người giúp việc ở trong nhà. Điều này có thể bắt nguồn từ cách cư xử của bố mẹ đối với người giúp việc, đối xử với họ như với người ở đẳng cấp thấp hơn. Vì thế, dù bố mẹ có nhắc nhở, dạy dỗ con phải tôn trọng người lớn, người giúp việc, nhiều bé sẽ không nghe theo đâu.
Nhiều người giúp việc nể con cái nhà chủ, nên không nghiêm khắc, khiến các bé tha hồ bắt nạt. Ngoài ra, các bé thấy người giúp việc phải phục vụ gia đình nhà mình, nên tự cho mình quyền làm “Cậu ấm, cô chiêu”, tha hồ hạch sách.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, sự hách dịch đó rất có hại cho sự phát triển nhân cách của trẻ, dẫn đến thói khinh người nghèo, coi thường lao động chân tay. Do đó, cha mẹ nên để ý cách cư xử với người giúp việc, thái độ, cách nói năng phải luôn tôn trọng, không quát mắng, khi họ làm sai cũng cần bĩnh tĩnh góp ý.
Bố mẹ cũng có thể gợi sự cảm thông, tôn trọng của trẻ bằng những câu chuyện cảm động về người giúp việc để trẻ thấy đó cũng có tình cảm, đạo đức. Ngoài ra, bạn nên giao cho trẻ tự làm một số việc như gấp chăn màn, quần áo của mình chứ không phải việc gì cũng ỷ vào giúp việc. Điều này không chỉ rèn tính tự lập mà còn giúp trẻ coi trọng lao động chân tay và những người lao động chân tay.
Thu Hằng (Tổng hợp)
(theo afamily)