Từ ngày về làm dâu, rất ít khi Mai Anh phải đi chợ hay vào bếp nấu nướng, có chăng chị chỉ vào bếp phụ với mẹ chồng. Hàng ngày, toàn bộ việc nhà đều do bố mẹ chồng quán xuyến, Mai Anh không phải lo toan bất cứ việc gì. Nhưng có một nguyên tắc, đó là bữa ăn phải có mặt đầy đủ các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, dù đi đâu, dù buổi trưa hay buổi tối, đến bữa cơm, vợ chồng chị cũng phải về.
Có những hôm cơ quan nhiều việc, chị phải ở lại làm đến muộn mới về được. Mặc dù đã gọi điện về nhà để bố mẹ chồng ăn cơm trước, nhưng khi chị về nhà, mọi người vẫn đang chờ cơm. Ái ngại, cũng có lần chị góp ý nhưng các cụ bảo: “Con đi làm về muộn, mệt mỏi, ăn cơm một mình buồn nên cả nhà chờ ăn cho vui”. Khổ nhất là nhiều khi công ty có việc phải ra ngoài ăn tiếp khách hoặc chỗ bạn bè thân mới sinh nhật, liên hoan… chị phải tìm đủ mọi cách để từ chối vì sợ bố mẹ buồn.
Đến khi có bầu, Mai Anh lại được bố mẹ chồng quan tâm nhiều hơn. Mẹ chồng lên kế hoạch các món ăn bổ dưỡng để ép Mai Anh ăn. Trong ba tháng đầu, do nghén Mai Anh cứ ăn lại nôn ra hết, nhưng mẹ chồng vẫn cứ nấu và động viên con dâu ăn bằng được vì theo bà dù sao nó cũng sẽ ngấm được chút ít, có vẫn hơn không. Sáng đi làm, chị được mẹ chồng đưa cho chị một chai thuốc bắc để mang đến cơ quan uống, tối về một bát thuốc cũng đã để sẵn trên bàn, chị cứ thế mà uống.
Có hôm mệt chị phải xin nghỉ làm nhưng chị Mai Anh không dám ở nhà mà sang nhà mẹ đẻ nghỉ ngơi, vì ở nhà sợ bố mẹ chồng lại ép ăn. Ngoài ra, mẹ chồng luôn nhắc nhở Mai Anh mọi việc từ việc ăn uống, đi lại, ăn mặc… khiến cô cảm thấy mất hết cả tự do.
Và tình hình còn tồi tệ hơn, khi chị sinh được cháu trai, chị càng được mẹ chồng chăm sóc chu đáo hơn. Sợ thiếu sữa cho con bú, ngày nào cũng vậy mẹ chồng bắt chị ăn 1- 2 bữa cháo móng giò ngoài ba bữa cơm chính, hoa qua, bánh… Cứ nghĩ đến móng giò là chị lại rùng mình. Có hôm mẹ chồng mang móng giò vào cho chi ăn, đợi mẹ chồng ra ngoài chị cho vào túi nilon rồi tìm cách bỏ đi.
Con trai đã lớn, nhưng lúc nào đi đâu, làm gì mẹ chồng chị cũng nhắc nhở phải đội mũ, che mặt, không được làm việc nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, Nhiều khi chị phát ngượng với bạn bè vì bị mẹ chồng nhắc nhở như trẻ con vậy.
Nếu tình trạng này cứ kéo dài, chị Mai Anh trở thành một người máy, luôn làm theo ý của bố mẹ chồng, và chắc chắn cô sẽ rơi vào trạng thái stress.
Mong bố mẹ chồng ít quan tâm
Khác với chị Mai Anh, chị Nguyễn Thị Mai Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) không ở chung cùng bố mẹ chồng nhưng cô cũng bị stress vì được bố mẹ chồng thương và quan tâm một cách thái quá.
Thương vợ chồng con trai đi làm vất vả, không có thời gian nên bố mẹ thường xuyên đến nhà vợ chồng chị. Từ ngày cưới, tính ra số lần bố mẹ chồng đến thăm con nhiều hơn số lần vợ chồng chị qua thăm bố mẹ. Sang đến nơi, mỗi người một việc, bố chồng lo sửa chữa đồ đạc trong nhà, mẹ chồng thì dọn dẹp, lau nhà cho con. Nhiều lúc chị mệt muốn nghỉ nhưng thấy bố mẹ chồng làm chẳng lẽ mình ngồi chơi, vậy là chị lại phải cùng làm với bố mẹ chồng.
Nhiều hôm thứ 7, chủ nhật, vợ chồng chỉ muốn ngủ nướng thì bố mẹ lại sang từ sớm, hai vợ chồng lại hò nhau dậy. Mẹ chồng mang đồ ăn đến và lại vào bếp nấu ăn cho cả nhà, thế là kế hoạch ăn ngoài của hai vợ chồng bị phá vỡ. Ăn sáng do mẹ chồng nấu mà lòng chị Hương ấm ức…
Có tuần, bố mẹ chồng chị còn mời anh em, người thân tới nhà vợ chồng chị để liên hoan để mọi người có cơ hội gần gũi với nhau và để cho con dâu được giao tiếp với họ hàng. Sau những hôm như vậy, chị Hương tha hồ mà dọn, mang tiếng là ngày nghỉ nhưng chẳng mấy khi chị được nghỉ, còn mệt mỏi hơn cả ngày thường.
Còn nữa, nhiều lần sau khi bố mẹ chồng dọn dẹp, một số đồ dùng khi vợ chồng chị cần không biết được để chỗ nào, vợ chồng chị lại phải gọi điện hỏi xem bố mẹ chồng đã để ở đâu? Biết là bố mẹ thương con, nhưng cứ kiểu này thì chị cũng “ngán ngẩm”. Những lúc đó, chị Hương chỉ mong bố mẹ bớt quan tâm tới mình.
Hãy đón nhận thành tâm của bố mẹ
Với cha mẹ, con cái lúc nào cũng là những đứa trẻ, vẫn cần sự quan tâm, lo lắng. Nhưng khi đã đến tuổi trưởng thành, lập gia đình rồi thì thì các bậc cha mẹ hãy để cho con được quyết định những việc riêng, bố mẹ chỉ nên tham gia góp ý và giúp con các việc cần thiết mà thôi.
(Theo VnMedia, giadinh)