Nguyên nhân đến từ đặc trưng giới
Như aFamily đã từng đề cập về vấn đề tại sao con trai thường ghét bố, với mẹ, các cô con gái cũng mang một hiệu ứng tương tự.
“Chồng mình cũng là người khéo léo và yêu thương vợ con nhưng chẳng bao giờ anh có thể hiểu được trăm thứ bà rằn không tên mà vợ phải giải quyết trong gia đình”, chị Thảo, một phóng viên phàn nàn trên blog.
Chị cho rằng việc cô bé lớn nhà chị quấn quýt bố hơn là do chị phải đối mặt với quá nhiều áp lực công việc cơ quan và gia đình nên thường cau có với con. Chị tự hứa với mình rằng phải dịu dàng hơn để con quên đi sự sợ hãi đối với mẹ.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý học lại có một cách lý giải khác về việc con gái chị quấn quýt bố. Cũng như các cậu bé thường yêu quý mẹ hơn, các cô con gái có xu hướng quẩn quanh bên bố nhiều hơn.
Trong nỗ lực nhằm sở hữu bố từ tay mẹ, các cô bé muốn lớn lên thật nhanh. Có khi nào bạn về nhà và bắt gặp đứa con gái 4 tuổi của mình đang thử hết chiếc váy này đến váy kia của bạn? Không chỉ vì cô bé điệu đà đâu, nó đang vô thức cố gắng làm sao để được giống bạn nhất, để được bố yêu nhất.
Và nếu như con gái bạn thường đứng về phía bố nó trong những cuộc “tranh đấu” trong gia đình thì đừng vội cho rằng bạn đã mất bao công chăm sóc nhưng nó chẳng yêu bạn chút nào.
Các nhà tâm lý học chiều sâu cho rằng sở dĩ con gái yêu bố hơn yêu mẹ là do đặc trưng về giới quy định. “Người đàn ông” đầu tiên và có ảnh hưởng nhất đến con gái bạn chính là bố chúng. Đó là lý do vì sao các cô gái thường muốn chọn một người chồng giống bố.
Người bố trong gia đình quá tệ bạc cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ của con gái về đàn ông. Đã có nhiều cô gái chẳng thể yêu thương nổi hoặc mang những bệnh lý thần kinh do ảnh hưởng từ bố của mình.
Các ông bố có thể làm bệ phóng cho con gái
Cũng như các bà mẹ và con trai, các ông bố nên ý thức được rằng dù có yêu con gái đến đâu, cũng không nên thái quá đến mức để hằn sâu vào đầu các bé gái rằng bố yêu chúng hơn mẹ.
“Vì các bà mẹ luôn phải đối mặt với rất nhiều công việc, đặc biệt là công việc gia đình quá nhiều dễ khiến họ nổi nóng với con cái. Điều này vô hình chung khiến cho các con cảm thấy mẹ khó tính hơn bố và rồi từ đó, chúng thấy bố là giải pháp tốt hơn mỗi lần cần gì đó”, ThS. tâm lý Nguyễn Mạnh Hà, giảng viên trường ĐHKHXH&NV giảng giải.
Để làm được điều này, các quý ông không những phải làm tốt vai trò của người cha mà còn phải làm thật giỏi vai trò của người chồng, để vợ không cảm thấy áp lực mỗi khi về nhà và cáu gắt với con cái.
Các ông bố sẽ được lợi gì từ sự “chăm ngoan” này?
Câu trả lời là họ sẽ đóng góp một phần rất lớn vào việc khiến con gái mình trở thành một cô gái độc lập và dễ dàng đến với tình yêu hơn khi trưởng thành. “Nếu một cô gái quá “yêu” bố, nó sẽ là rào cản vô hình khiến các cô khó tìm được tình yêu cho mình hoặc có tìm được cũng khó khăn để có thể thích ứng với “một người đàn ông khác bố”, PGS.TS Đỗ Lai Thúy, chuyên gia phân tâm học cho biết.
Kim Ấm
(theo afamily)