Chuyến tàu độc hành
Chị Phan Thảo Lê ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM là giám đốc một công ty bất động sản. Đã đi quá nửa cuộc đời, ngẫm lại, chị thấy mình cũng gặt hái được nhiều thành công, cả ngoài xã hội lẫn trong gia đình. Cuộc sống của chị, người ngoài nhìn vào ai cũng mê: ôtô, biệt thự, con cái ngoan ngoãn học giỏi, gia đình trong ấm ngoài êm. Chị được xem là người phụ nữ hiện đại tiêu biểu, vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà. Nhưng, để làm trọn vai trò đó, chị đã phải làm việc gấp đôi, gấp ba so với những người phụ nữ bình thường.
Tiền bạc có được chủ yếu là nhờ hoạt động kinh doanh của chị. Lương hàng tháng của anh Lập – chồng chị, chẳng được bao nhiêu nhưng chị Lê vẫn đề nghị anh đóng góp. Dù đã rất “tế nhị” nhưng dường như chị vẫn không xoay chuyển được ý nghĩ tiêu cực của chồng. Mỗi lần phải quyết một việc gì đó lớn trong nhà… chị đều hỏi chồng nhưng anh chỉ vỏn vẹn một câu “tùy em”. Vậy nhưng “đau đầu” là ở chỗ, nếu xảy ra trục trặc gì, anh lại đổ lỗi và phê phán chị rất hăng.
Ngoài việc phải làm cột trụ trong gia đình, cũng như bất kỳ người phụ nữ nào khác, chị Lê không thể giao việc nội trợ cho ai. Nhà có người giúp việc nhưng bao giờ chị cũng là người vào bếp. Chỉ có chị nấu, chồng con chị mới cảm thấy ngon miệng. Nhà cửa cũng vậy, nếu không có bàn tay sắp xếp của chị, mọi thứ sẽ không gọn gàng và đẹp mắt như ý. Ngay đến việc dạy con, chị cũng không dám để cho chồng, vì thấy anh nóng tính, thiếu kiên nhẫn và không biết khích lệ con…
Với rất nhiều lý do tương tự, dường như mọi công to việc nhỏ, chị đều phải ôm hết. Ngoài tám giờ làm việc ở cơ quan, về nhà lẽ ra phải được nghỉ ngơi, chị lại tất bật cơm nước, dọn dẹp và dạy dỗ hai con.
Thấy rõ vợ bận bịu, nhưng anh Lập lại không chịu hiểu và thông cảm. Anh thường nói với chị, anh đã lấy phải một bà bộ trưởng. Thay vì giúp vợ san sẻ gánh nặng việc nhà, anh đi nhậu nhẹt với bạn bè. Vì vậy, những lúc buồn chị chẳng biết tựa vào ai. Nhiều lúc chị cảm thấy mình như một chiếc tàu cô đơn, lầm lũi và nặng nề… trên con đường dài vô tận.
Thua là… ghét
Chị Hồng Thúy, nhà ở Q.5 (TP.HCM) ban đầu chỉ làm ăn buôn bán nhỏ, nhưng do biết tích cóp nên đã gom góp được một khoản tiền khá lớn để kinh doanh nhà nghỉ. Công việc ngày càng phát đạt, chị mở rộng công ty, nói chồng bỏ việc ở nhà quản lý nhà nghỉ. Nhưng từ ngày anh Nam – chồng chị, quản lý nhà nghỉ thì tiền bạc cứ vơi đi. Xót của, chị Thúy để ý. Một lần, thấy tiền hao hụt trong ngày lên đến gần năm triệu, chị yêu cầu cô kế toán giải trình thì mới biết là do chồng mình lấy. Từ đó chị yêu cầu kế toán, khi nào anh lấy một khoản tiền trên 500.000đ thì phải hỏi ý kiến chị mới được chi. Từ hôm đó, chị quản lý tài chính rất chặt và thế là quan hệ vợ chồng căng thẳng. Anh Nam ngày càng sa đà vào cờ bạc, gái gú. Rồi chính anh là người gửi đơn ly hôn.
Trò chuyện với nhân viên tư vấn, anh Nam cho biết, sai lầm của anh là đã bỏ việc để về làm cho vợ. Dù là người quản lý nhà nghỉ nhưng anh vẫn mang tâm thế người làm thuê cho vợ. Anh không chấp nhận được sự thật vợ là “ông chủ” của mình. Sau ly hôn, dù không có nhiều tiền để chi tiêu nhưng anh cảm thấy thoải mái hơn. Anh lý luận: “Làm đàn ông có thể chịu khổ chứ không thể chịu nhục được”.
Cũng bởi tâm lý “hơn thua” này ở đàn ông mà những người vợ giỏi giang, thành đạt hơn chồng dễ rơi vào bi kịch. Do không chấp nhận được thực tế vợ hơn mình nên các ông chồng này dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực. Người thì ỷ lại, không hợp tác giúp đỡ vợ, không muốn tạo điều kiện cho vợ phát triển. Người thì không đưa tiền cho vợ, ăn chơi hoang phí để quên mặc cảm thua kém của mình. Có người còn tìm mọi cách để “hơn” vợ, kể cả việc dùng bạo lực nhằm khẳng định vị trí đàn ông của mình.
Ngay như chị Lê, mặc dù chị rất khéo dung hòa mối quan hệ “vợ cao chồng thấp”, nhưng trong sâu thẳm, chị vẫn có nỗi khổ riêng không biết nói cùng ai. Vợ chồng chị yêu nhau từ thời sinh viên. Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, hai vợ chồng đều là công chức hưởng lương ba cọc ba đồng thì đời sống tinh thần cực kỳ thanh thản. Nhưng, từ khi chị lập công ty bất động sản rồi trở thành một doanh nhân thành đạt thì quan hệ vợ chồng bắt đầu có vấn đề. Anh trở nên ít nói chuyện, hay chê trách vợ và không còn quan tâm đến gia đình. Không còn những lúc đi làm về bất ngờ ôm vợ từ phía sau, rồi giúi cho vợ tập tiền lương đầu tháng… Càng ngày anh càng ít lời, thiếu sự dịu dàng, thiếu sự thông cảm, sẻ chia và khắt khe hơn với chị.
Mặc cảm
Do quan niệm Á Đông đề cao nam giới nên khi người vợ giỏi giang hơn chồng sẽ rất dễ làm phát sinh tâm lý mặc cảm ở đàn ông. Mặc cảm đã lấn át những rung cảm yêu đương, chỉ còn lại những suy nghĩ tiêu cực. Người phụ nữ thành đạt không còn có nhiều thời gian như trước đây nữa, họ bận bịu hơn nên dành thời gian cho gia đình cũng ít hơn khiến mặc cảm trong người chồng càng lớn hơn. Họ cảm thấy vợ không còn đoái hoài gì đến mình, thấy mình như không có giá trị. Từ suy nghĩ đó, người chồng thường tỏ ra không hợp tác với mọi việc làm của vợ, thậm chí còn quát mắng, đánh đập để thể hiện uy quyền của mình. Tiêu cực ở chỗ là hầu hết các ông không chấp nhận nhưng không biết làm thế nào để cải thiện. Vì thế, có những ông chồng có vợ thành đạt đã bỏ tiền ra tìm kiếm người phụ nữ khác để được vuốt ve tự ái “đàn ông”, dù họ biết là không thật nhưng vẫn cảm thấy vui, thấy thỏa mãn.
Không hiếm các ông nghĩ: “Là phụ nữ, dù có giỏi giang, thành đạt đến đâu thì vẫn là phụ nữ, vẫn phải nấu cơm, giặt áo cho chồng”.
Đành rằng phụ nữ là người giữ lửa trong gia đình nhưng vẫn phải khéo léo, tế nhị khi “không may” giỏi hơn chồng. Tuy nhiên, cứ thử tưởng tượng một bà giám đốc ở cơ quan mỗi ngày phải quyết định biết bao nhiêu việc, mà khi về đến nhà lại phải lột xác thành một con người khác: “Anh ơi em làm thế này được không? Anh ơi ăn gì để em nấu”… thì chẳng khác nào một diễn viên đang diễn kịch. Không ai đóng kịch được cả đời, đặc biệt là với người bạn đời của mình. Chỉ khi nào cách nghĩ của đàn ông “thoáng” hơn thì khi đó mới có thể chấm dứt được những bi kịch không đáng có trong gia đình.
Theo PNO
(theo afamily)