Những chiêu dụ dỗ trẻ con ăn cơm, đảm bảo không đụng hàng, được chính các phụ huynh chia sẻ dưới đây là những câu chuyện cười ra nước mắt, khi bố mẹ nỗ lực hết mình vì sự phát triển của con.
Nhà nọ, bố nổ xe máy cho con ngồi lên, cứ một muỗng cơm mẹ đút là bố phải đi 1 vòng quanh chung cư, thế là 1 bữa cơm bố mẹ tốn thêm 1 lít xăng. Cũng xót lắm nhưng thà thế còn hơn là con không ăn, rồi lại còi cọc, suy dinh dưỡng.
Nhà khác, để cho cháu ăn, chiều nào bà nội và cháu cũng trễm trệ trên xe xích lô, đi lòng vòng (tốn khoảng 5.000 đồng) để đút cho cháu ăn hết bát cháo.
Nhà khác nữa, bé chỉ chịu ăn khi xem chương trình Hugo trên HTV7, mà chỉ khi Hugo chạy đi thì mới ăn, còn khi MC giới thiệu là nhất định không ăn, lại còn khóc um xùm lên.
Để con chịu ăn, bố mua sẵn mấy kg túi nilon, lúc ăn cơm, mẹ thì đút cơm còn bố phùng má lên thổi bóng. Cứ một thìa cơm đút vào là bố phải đập bộp 1 cái (mà phải nổ thật to) thì con mới cười và nuốt cơm. Sau mỗi bữa cơm, mẹ phờ phạc đi quét dọn còn bố thì ngồi thở hổn hển không ra hơi.
Nhà chị Huyền, hai ông bà cho cháu ăn xong gần như kiệt sức, ông thì đẩy xe, bà cầm gậy trên có treo một chiếc áo làm cờ, vừa đi vừa hát, còn bố thì tránh thủ lúc con đang tập trung chú ý, đút cháo vào miệng và bắt con nuốt.
Các cách giúp bé chịu ăn
Thông thường, các bà mẹ tuân thủ với cách cho con ăn là nghiêm khắc và không khoan nhượng, nhưng khi thấy con vẫn rất gan lì thì nhanh chóng đầu hàng và tìm các biện pháp khác cho con ăn. Cũng có nhà, vì bé ở với ông bà nên dù nghiêm khắc mà ông bà chiều cháu thì cũng không đem lại kết quả gì.
Để trẻ chịu ăn, ngay từ đầu, bố mẹ đã phải xác định là không ép buộc con ăn, khuyến khích trẻ tự ăn và quy định thời gian ăn cụ thể. Nếu quá thời gian, bé vẫn chưa ăn xong thì cũng không nên ép, và thay vào đó, cho con uống thêm sữa và ăn nhẹ thêm chút gì đó.
Thay đổi khẩu phần ăn đa dạng, nếu thấy bé không thích món này có thể đổi sang món khác, và thay đổi thường xuyên hàng ngày.
Ít hoạt động và ăn nhiều bữa cũng là nguyên nhân khiến trẻ lâu đói và không thấy thèm ăn. Khuyến khích con chơi, chạy nhảy, đi chơi với bạn bè, nghịch ngợm… để nhanh đói, cơ thể cũng được phát triển khỏe mạnh.
Tập cho trẻ ngồi ăn cơm cùng các thành viên khác trong gia đình và tự đút thức ăn.
Để việc ăn uống của con không còn là những việc dở khóc, dở cười của cha mẹ, để không khí ăn uống trong gia đình luôn thoải mái thì điều quan trọng nhất là bố mẹ phải tuân thủ theo các nguyên tắc đặt ra, buộc con và các thành viên khác trong gia đình phải tuân theo.
Lan Nhi (Tổng hợp)
(theo afamily)