Anh Tiến ngơ ngác thì vợ lý giải: “Em mua tặng đối tác. Anh ấy giúp em nhiều nên em mua quà sinh nhật đáp lễ người ta thôi”. Anh Tiến tiu nghỉu, chẳng dám ý kiến gì bởi anh đã quá quen thuộc với việc vợ mua quà, khi thì biếu sếp, lúc lại tặng bạn hàng, đối tác…
Công việc cần quan hệ rộng thì tất nhiên, số giờ vợ anh Tiến ở bên ngoài luôn nhiều hơn ở nhà. Là người đàn ông hiện đại, anh Tiến chưa bao giờ phản đối vợ học thêm, tự quản lý công ty riêng hay kiếm tiền. Cũng lăn lộn nhiều nên anh hiểu và thông cảm với khó khăn của vợ. Nhưng có khi đang ăn tối, anh không khỏi phiền lòng vì thấy vợ vồn vã: “Em đi gặp một người bạn. Em phải mượn nó tài liệu ôn thi cao học” hoặc buổi chiều, anh nhận được cú điện thoại khẩn của vợ: “Tối nay phòng Makerting có tiệc, đừng chờ cơm em. Anh cũng ngủ trước đi”.
Vợ anh bận bịu với hàng đống mối quan hệ, có thời gian rảnh lại quấn quýt bên con nên có những lúc, anh Tiến không khỏi chạnh lòng. Một năm có bao ngày lễ Tết thì ngần ấy thời gian, vợ anh Tiến băn khoăn với chuyện quà biếu. Có lần, anh tư vấn: “Đi phong bì cho tiện, em cần gì nghĩ” thế là anh bị vợ mắng là không tinh tế.
Hơi khác với anh Tiến, anh Lâm (Hoàng Mai, Hà Nội) nhiều khi không tránh khỏi cảnh “muối mặt” vì bạn làm ăn của vợ đến nhà chơi là nghe vợ anh khoe cái này là hàng xách tay, cái kia cô mua khi du lịch Pháp. Bạn hàng của vợ anh Lâm phần lớn là phụ nữ nên bàn chuyện công việc thì ít, chỉ một lát sau là họ chuyển sang chuyện mua đồ hàng hiệu rồi loáng cái lại tới chuyện kể xấu chồng và nhà chồng. Đến bữa cơm và giấc ngủ, anh Lâm cũng bị những cuộc điện thoại của vợ làm phiền. Ngoài chuyện làm ăn, vợ anh Lâm cũng có vô vàn bạn bè thân quen, có những người anh chưa gặp lần nào.
Không những thế, vợ anh cậy kinh tế mạnh nên thích “qua mặt” chồng. Một lần, anh Lâm sững sờ khi vợ tuyên bố: “Khoản tiền vợ chồng mình vay mua nhà em đã trả xong”. Anh hỏi lý do thì vợ anh tự đắc: “Thấy vợ của anh giỏi không?”. Anh cau có nói rằng, chuyện lớn phải được vợ chồng cùng bàn, không được phép tự quyết thì vợ anh ngúng nguẩy: “Sướng mà anh không biết đường”.
Đừng ‘át vía’ chồng
Quan hệ rộng, kiếm tiền nhiều có nghĩa là phải đầu tư thời gian cho nó. Mỗi người chỉ có 24 giờ mỗi ngày để ăn, nghỉ, ngủ và làm việc. Hơn nữa, khi đã có gia đình, phụ nữ thường phải dành nhiều thời gian và công sức vun vén gia đình. Có quá nhiều mối quan tâm tất nhiên sẽ khiến chị em xao nhãng nhiều thứ. Vì thế, khi đã quá bận rộn, điều quan trọng là người vợ biết cách thương lượng với chồng để mọi chuyện ổn thỏa.
Với đàn ông, khi vợ kiếm được nhiều tiền và trở nên nồng nhiệt với những mối quan tâm khác sẽ khiến họ nghi ngại. Anh ấy sinh tâm lý tự ti hoặc tệ hơn là đùn đẩy trách nhiệm tài chính sang cho vợ. Dần dần, người chồng sẽ tự nguyện bỏ vị trí trụ cột lúc nào không hay.
(Theo Me&be, afamily)