“Nếu con cứ nhất quyết nghe theo nó cưới xong ra ngoài sống riêng thì hãy coi như không còn bà mẹ này tồn tại trên đời nữa.Cuộc đời này, mẹ chỉ có một mình con, sống mà không có con bên cạnh thì có ý nghĩa gì chứ?”
Đây là tối hậu thư mà mẹ tôi nhắc lại không biết bao nhiêu lần mỗi khi tôi nói tới chuyện kết hôn với Ngọc. Tôi biết mẹ sẽ không bao giờ phá vỡ nguyên tắc sống của mình nên rất khó xử.
Từ bên kia đầu dây tư vấn, giọng anh ngượng nghịu. Anh bảo là một thanh niên trưởng thành không tự mình giải quyết được vấn đề lại mang đi hỏi người khác. Thế nhưng suy nghĩ mãi anh cũng không thể tìm ra cho mình lối thoát vừa hợp tình lại hợp lý.
Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hi sinh và sống cho tôi hầu như tất cả. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với lý tưởng mình đã đặt ra.
Mẹ là người sống khá nguyên tắc, bởi vậy bà cũng nuôi dạy tôi theo đúng với những gì bà nghĩ và cho là đúng. Vì thế từ bé cho đến khi vào đại học, tôi hầu như sống và học theo ý nguyện của mẹ. Dù rất thích sống theo chủ nghĩa lãng mạn, say mê văn thơ nhưng mẹ tôi lại muốn con trai theo khối tự nhiên.
Tôi đã bỏ đi niềm đam mê của mình tìm đến các môn học khô khan để sau này trở thành một thầy giáo dạy toán như ước mơ của mẹ. Hết cấp 3, tôi thi đỗ vào Đại học KHTN, chuyên ngành toán. Với nỗ lực không ngừng, cuối cùng tôi cũng biến ước mơ của mẹ thành hiện thực. Nhìn thấy mẹ mãn nguyện, sống vui tự hào có đứa con vâng lời, ngoan ngoãn, tôi thấy mình đã phần nào đền đáp được những năm tháng gian khổ của mẹ trước đây.
Bà ngoại nói, tôi mồ côi cha khi còn nằm trong bụng mẹ. Vì thương tôi bất hạnh, thiệt thòi hơn chúng bạn nên mẹ đã nguyện sống cô đơn nuôi con một mình để tránh cho tôi cảnh cha dượng, “anh em ba bề bốn bên” như người ta vẫn thường nói. Mất chồng từ năm 26 tuổi, mẹ vẫn có thể tìm hạnh phúc nhưng mẹ đã để tuổi xuân trôi qua, dồn sức lực, tình cảm cho đứa con trai duy nhất.
Cứ mỗi lần nghe bà kể chuyện ấy, tôi lại thấy trách nhiệm của mình vô cùng to lớn đối với mẹ. Đến tận ngày về với tổ tiên, bà ngoại vẫn cầm lấy tay tôi dặn dò phải hiếu thảo với mẹ, không được làm mẹ buồn. Tôi đã hứa trước vong linh bà sẽ mãi mãi làm đúng như lời dặn. Mẹ luôn có vị trí trong trái tim tôi dù sau này cuộc đời tôi có thêm người phụ nữ khác.
Vì chữ hiếu ấy nên khi nghĩ đến chuyện lấy vợ, tôi đều hỏi ý kiến mẹ. Nếu mẹ không bằng lòng, dù yêu đến mấy tôi cũng chia tay. Hơn 30 tuổi, tôi trở thành “kẻ sát gái” với gần chục mối tình đến rồi đi chỉ vì mẹ. Mỗi lần dẫn bạn gái về nhà, mẹ tôi đều điều tra rất kỹ từ lí lịch đến tính cách của từng người. Chỉ cần có một điểm khiến bà bất đồng là tôi phải từ bỏ ý định tiến xa hơn. Mẹ tôi nói, cả cuộc đời mẹ chỉ dựa vào vợ chồng tôi sau này nên mẹ muốn có một cô con dâu phù hợp với mình.
Vì sống trong cùng một gia đình mà mẹ chồng con dâu suốt ngày “khắc khẩu” thì rất mệt mỏi. Chi bằng cứ tìm một người phù hợp với mình lại sống hòa thuận với mẹ. Bạn bè biết chuyện bảo tôi là người đàn ông bám váy mẹ, lấy vợ là lấy cho mình có phải lấy cho mẹ mà suốt ngày phải dựa vào tiêu chí bà chọn; rằng thời đại này mà còn lấy vợ dưới sự điều khiển của người khác…Vì chữ hiếu với mẹ, tôi đã nghĩ họ nói chỉ đúng một phần. Bởi họ không giống tôi, không sinh ra trong một gia đình chỉ có mẹ, không chứng kiến mẹ phải một mình khổ tâm, lao lực nuôi con như thế nào?
Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ tại sao mẹ sống cho mình hết tất cả mà phận làm con lại không sống với mẹ được như thế. Lời hứa với bà ngoại công với lòng yêu thương mẹ đã khiến tôi trở thành người đàn ông nhu nhược trong mắt các cô gái.
Những cuộc tình lần lượt trôi qua, tôi vẫn chưa thể nào kiếm được một cô gái vừa yêu mình lại phù hợp với tiêu chí của mẹ. Thỉnh thoảng mẹ cũng dắt mối cho tôi vài cô nhưng rồi chính bà lại là người loại họ khỏi vòng tuyển chọn đầu tiên. Đã có lúc tôi thầm nghĩ nếu thật sự không chọn được một người con gái vừa thích hợp với tôi, lại đúng với ý của mẹ thì tôi sẽ sống độc thân suốt đời. Chuyện tôi làm cậu con trai ngoan ngoãn, lấy vợ theo ý mẹ đã trở thành đề tài đàm tiếu của nhiều người; vô tình tôi trở thành kẻ lập dị trong mắt họ.
Ngày sinh nhật tôi tròn 32 tuổi cũng là ngày đánh dấu một kỉ niệm đáng nhớ đối với tôi. Chính hôm đó tôi đã gặp Ngọc, người đã làm cho tôi thay đổi hẳn quan điểm sống từ trước đến nay. Ngọc là nhân viên của một quầy lưu niệm. Một người bạn nước ngoài đã tặng tôi món quà mua ở cửa hàng Ngọc rồi nhờ em mang đến để gây bất ngờ cho tôi. Xuất hiện trước cửa nhà với trang phục quần sooc ngắng, khoe đôi chân dài và trắng đẹp mê hoặc.
Có lẽ Ngọc biết lợi thế đó của mình nên mới chọn trang phục như thế. Chiếc áo thun màu hồng trẻ trung càng tôn thêm nét xinh đẹp. Mỉm cười giới thiệu, rồi trao lại món quà đúng nhiệm vụ, Ngọc quay đi trong cái nhíu mày khó chịu của mẹ tôi. Bà bảo con gái thời nay đúng là không có chút lịch sự, đi làm mà như ở nhà…trong khi bà chê trách Ngọc thì tôi lại lấy làm thích thú.
Mấy ngày sau, tôi quay lại cửa hàng của Ngọc và chúng tôi quen nhau từ đó. Thật lạ, càng tiếp xúc Ngọc lại càng làm tôi cuốn hút. Tôi vẫn là một thanh niên không đến nỗi lạc hậu, cũng cập nhật thông tin của cuộc sống, ấy vậy mà tiếp xúc với Ngọc tôi cứ như cậu học trò lơ ngơ. Ngọc nói nhiều về quan điểm sống, về sự hòa hợp của các thế hệ trong gia đình…hoàn toàn khác hẳn với những suy nghĩ của tôi trước đây. Bỗng nhiên tôi thấy mình thật ấu trĩ, hình như trừ trước tới nay tôi chưa thật sống cho bản thân thì phải?
Chúng tôi yêu nhau. Thứ tình cảm mà từ trước tới nay tôi chưa bắt gặp ở cuộc tình nào đã trải qua. Tôi kể về bản thân, về người mẹ đang hoài bão về một cô con dâu ngoan hiền đúng ý bà. Ngọc cười nắc nẻ, bảo tôi phải thay đổi quan điểm sống thì mới có thể nghĩ đến chuyện tương lai. Tôi đồng ý và bắt đầu nghĩ về cuộc sống hôn nhân. Tôi không còn để ý đến tiêu chí chọn vợ của mẹ. Tôi yêu bằng lý trí của trái tim mình và nghĩ bằng bất cứ giá nào tôi cũng phải cưới được Ngọc.
Hai năm yêu nhau, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện cưới hỏi. Đến lúc này thì tôi mới chạm vào một hiện thực khó xử. Ngọc bảo nếu tiến tới hôn nhân chắc chắn chúng tôi sẽ phải ra ngoài sống riêng. Ngọc không muốn sống chung với bà mẹ chồng chỉ biết bảo vệ nguyên tắc sống của mình. Đó cũng là điều kiện duy nhất Ngọc đặt ra cho tôi. Đến giờ phút này tôi không còn nghĩ đến chuyện sẽ chia tay Ngọc theo ý mẹ.
Tình cảm tôi dành cho Ngọc đã qúa sâu nặng. Tôi cũng đã thử đề cập đến chuyện Ngọc hãy vì tôi mà nhượng bộ với mẹ. Nhưng Ngọc khẳng định như đinh đóng cột là không thể nào thay đổi được bản thân để thích nghi với mẹ chồng. Nếu sống chung, trước sau gì chúng tôi cũng sẽ chia tay. Quan điểm sống của mẹ và Ngọc khác xa nhau, trong khi đó tôi lại là người con nghe lời mẹ tuyệt đối.
Mẹ biết chuyện ngay lập tức phản đối dữ dội. Không hiểu tình yêu của Ngọc có sức mạnh gì mà khiến tôi dám cãi lại mẹ để bảo vệ tình yêu của mình. Mẹ tôi sốc khi thấy thằng con trai ngoan ngoãn bỗng nhiên “dở chứng” vì “gái”. Rồi dường như không chịu nổi cú sốc ấy, bà tìm đến cái chết để cảnh cáo tôi. Mấy ngày đêm túc trực mẹ ở phòng cấp cứu, tôi đã định bỏ đi tình yêu của Ngọc để trở về làm một người con ngoan như ngày xưa.
Nhưng thật lạ chỉ nghĩ một lúc, trong tôi lại có con người khác thúc giục phải bảo vệ tình yêu, phải chiến thắng mẹ bất cứ giá nào. Tôi dùng đủ thứ khổ nhục kế để mẹ chấp nhận Ngọc. Cuối cùng tôi cũng đã làm bà động lòng, mẹ tôi bảo suốt đời bà đã sống vì con thì bây giờ là lần cuối cùng bà làm điều ấy khi chấp nhận cho tôi cưới Ngọc – một cô gái không có lấy một tiêu chuẩn nào hợp ý bà. Đó là sự nhượng bộ duy nhất.
Được mẹ đồng ý cho cưới là một bước, bước quan trọng là sống riêng sau khi cưới như Ngọc yêu cầu. Điều này thật qúa khó khăn đối với tôi. Bởi bản thân tôi cũng không muốn điều ấy, bao nhiêu năm qua mẹ đã quen sống có tôi giờ nói đến chuyện sống riêng thì khác gì hái sao trên trời. Đúng như dự đoán, mẹ tôi kiên quyết bảo nếu sống chung thì cho cưới, sống riêng thì coi như không có con dâu.
(Theo Đời sống Gia đình, giadinh)