Anh em ruột… khác họ
Chị Hằng kể: “Nhà tôi có 2 đứa con, một trai, một gái. Con trai thì được mang họ bố với tên đầy đủ là Nguyễn Đức Duy, còn cô con gái mang họ tôi: Nguyễn Thị Xuân”. “Tôi thấy cả nhà mình đều là họ Nguyễn, các con của chị đều cùng một họ đấy thôi”- tôi thắc mắc. Chị Hằng phân trần: “Nguyễn là họ của làng, của xã. Những người dân thổ cư của xã Song Hồ đều phải mang họ của làng. Còn họ chính phải là chữ thứ 2, tức là Đức, Như, Duy… Thêm nữa, con gái ở đây bắt buộc phải mang họ mẹ kèm chữ “Thị” để chỉ giới tính nữ. Theo phong tục thì con gái chỉ có mỗi tên, không có họ. Hai mẹ con tôi là gái thì không có họ riêng”.
Chúng tôi bày tỏ sự băn khoăn bày với anh Nguyễn Đức Diện. Anh Diện thản nhiên nói: “Cả làng tôi ai cũng thế cả. Ngày còn thanh niên, có lần tôi đã hỏi các cụ trong làng về nguồn gốc phong tục này. Các cụ cũng chẳng biết, chỉ nói đó là tập tục từ lâu đời, con cháu cứ thế theo, cấm bàn cãi…”.
Một điều kỳ lạ là, dù có tập tục lạ đời nhưng trong làng, trong xã chưa có trường hợp nào gặp rắc rối về thủ tục giấy tờ khi có việc cần đến.
Ông Nguyễn Đức Bội, ở thôn Đạo Tú cho biết: “Chưa thấy khó khăn gì về chuyện con gái khác họ bố. Bởi nếu ai có vấn đề gì, chỉ cần mang sổ hộ khẩu, hộ tịch, kiểm tra theo CMND gốc là ổn”. Cũng theo anh Bội: “Nếu con gái muốn lấy họ bố thì cũng được nhưng lại đi ngược với lệ làng; trong làng ngoài xóm lại bàn ra tán vào. Theo quan niệm của người dân nơi đây, cứ đứa trẻ nào có mỗi cái tên do cha mẹ đặt cho mà cứ để người đời xì xào thì kém may mắn, nên chả có mấy ai dám vượt lệ!”.
Cũng chỉ vì không dám “vượt lệ làng”, mà ông Nguyễn Như Hoa, thôn Đông Hồ đã trở nên nổi tiếng. Số là do muốn thể hiện tình yêu với con mà ông Hoa đã “dám liều” đặt tên cho con gái mình là Nguyễn Thị Như Hương. Ông Hoa thẳng thắn: “Tôi thấy đây là tục lệ quá bất công với phụ nữ nên quyết định phá lệ. Tuy nhiên, để con gái được mang họ của mình tôi nhận lại không ít lời chối tai như: “Tên con gì mà dài loằng ngoằng” hay “Phá lệ không sợ quan làng bắt vạ à?”… Kỳ thực, ông Hoa rất muốn đặt tên con là Nguyễn Như Hương nhưng sợ bị “to chuyện” và vẫn tôn trọng “lệ làng”, nên ông đành đặt tên con có cả chữ “Thị” ngăn giữa Nguyễn – Như.
35 năm không được ăn giỗ họ
Theo ông Nguyễn Như Hoa, sở dĩ đến thời điểm này trong làng, trong xã chưa có chuyện rắc rối về việc con gái không cùng họ với bố là do trai trong làng thường tìm vợ theo cách: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”. 90% các hộ đều mang họ Nguyễn của làng và đương nhiên con gái được mang họ này.
Bà Nguyễn Thị Tươi, thôn Đạo Tú, xã Song Hồ, năm nay đã 57 tuổi. Từ ngày về nhà chồng đến nay đã 35 năm, bà chưa một lần được người nhà của mình gọi về họp họ, giỗ họ. Thậm chí, việc họp họ, giỗ họ bên nhà chồng, bà và con gái cũng bị xem là người ngoài.
Bà Tươi nói: “Để đỡ tủi thân, mỗi khi bên nội hay bên ngoại có giỗ họ, họp họ ăn uống linh đình, tôi lại tổ chức bữa cơm thịnh soạn để tôi và 2 cô con gái ăn. Một vài lần, do muốn vui vẻ cùng họ hàng, tôi đến xin đóng một suất đinh để được đến, nhưng trong họ không ai đồng ý. Người ta lấy lý do là đông quá rồi! Chỉ có đàn ông con trai mới được đóng”.
Theo bà Tươi, nhiều họ khác như họ Hà, họ Vũ, họ Phùng… là những họ có ít đinh. Mỗi dịp đầu năm, con cháu được về họp họ và đóng suất đinh bình thường. Còn họ Nguyễn Như nhà bà, điều đó là không thể. “Theo quy định của họ Nguyễn Như chúng tôi, khi con gái trong họ đi lấy chồng, Tết năm đầu tiên mới cưới, ông con rể của họ được phép về dự họ đúng một lần trong đời. Còn từ sau năm đó trở đi thì không nhận nữa. Nếu chàng rể mới nào chẳng may Tết có việc bận không đi nhận họ được, thì năm sau về nhận họ cũng không ai nhận nữa”.
Tiếp lời vợ, ông Thoái hóm hỉnh: “Họ nhà vợ tôi “kiêu” nhất nhì xã đấy! Nếu năm đầu tiên làm rể họ Nguyễn Như, tôi có việc bận hoặc có lý do không về kịp thì muôn đời không biết họ vợ gồm những ai. Bởi sang năm thứ 2 có muốn đến cũng không ai chấp nhận”.
Ông Nguyễn Đức Bội, làng Đông Hồ, xã Song Hồ cho biết: “Nhà tôi là họ nhỏ, nên nếu muốn con gái cũng được tham gia vào giỗ họ thì phải tự đóng tiền để được ăn cỗ và phải ngồi chiếu dưới (ăn trong bếp hoặc trong buồng), không được tham gia họp họ hay bàn bạc gì cả. Trong gia phả họ mạc, con gái cũng không được nêu tên”.
“Con gái trong làng này dù mang họ mẹ hay không có họ cũng không được tham gia bất kỳ một cuộc hội họp hay lễ lạt gì. Biết là “trọng nam khinh nữ” thì cũng thế thôi! Phép vua thua lệ làng mà!” – bà Tươi chép miệng. Có lẽ, vì đã quen với truyền thống “độc đáo” của làng, nên dù biết thiệt thòi đủ đường, những người phụ nữ nơi đây vẫn phải chấp nhận.
Hạnh Thu
(theo giadinh)