Nghỉ hè, tôi về thăm cô giáo cũ dạy mình hồi còn học phổ thông. Giữa lúc câu chuyện đang tạm thời lắng xuống, con gái cô từ trong phòng đi ra chào mẹ rồi dắt xe đi học.
Ngồi im nhìn bóng đứa con gái mười hai tuổi lúi húi mở cổng, khóa cổng xong, cô bất giác hỏi tôi: “Ở bên đó (nơi tôi du học) em có bao giờ thấy người ta dỗ dành con khóc không?”
Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời: “Cũng có đôi lần cô ạ.”
– Vậy có bao giờ thấy những cảnh như là… một đứa trẻ vấp ngã được bố mẹ xuýt xoa “Đánh chừa đất này!” không?
Tôi đáp rằng không, lòng thầm ngạc nhiên không hiểu cô đang có ý gì. Cô gật gù rồi mỉm cười xác nhận: “Đúng vậy, hồi còn học ở Liên Xô cũng chưa bao giờ cô thấy cảnh đó.” Rồi tiếp thêm, vẻ tự hào không giấu giếm: “Cô cũng không bao giờ dỗ dành con như vậy”. Đến đây thì tôi đã phần nào hiểu được ý tứ của cô.
Trầm ngâm một lát, rồi cô tiếp: “Cha mẹ nào cũng thương con, điều đó không phải bàn. Nhưng cách dạy trẻ con của người Việt Nam mình có nhiều điểm không tốt. Giả như chuyện dỗ dành khi con đau con khóc, thường bao giờ cũng thay con đổ lỗi cho một điều gì đó. Con ngã thì bảo đất hư, con kẹp tay thì trách cứ cánh cửa. Rồi sau đó thì đánh chừa, đánh chừa… Trẻ con một tuổi là đã bắt đầu quá trình nhận thức rồi. Những điều tưởng chừng đơn giản như vậy, cũng có thể lưu lại trong trẻ và hình thành thói quen không tốt khi lớn lên.”
Đến quan điểm này của cô thì tôi có hơi bị sốc. Đang định phản bác lại rằng cô nhận xét như vậy có quá phiến diện hay không, thì đã lại bị chặn trước bằng một ví dụ không thể chối cãi: “Cô nghĩ đó cũng là một phần lí do tại sao tại nhiều nước bây giờ vẫn duy trì các trường nữ sinh, nam sinh riêng biệt, trong khi ở Việt Nam thì gần như lại không có.”
Cuộc trò chuyện còn lan sang nhiều chủ đề khác, nhưng hai nhận xét mà cô đưa ra về cách giáo dục trẻ của người Việt Nam ta thì cứ theo ám ảnh tôi mãi. Cô cũng là một nhà sư phạm, là một giáo viên về sinh vật học, và trên hết là một bà mẹ của hai đứa trẻ đang tuổi trưởng thành, nên dù những quan điểm này được đưa ra chưa hề có sự xác nhận, kiểm chứng thì nó cũng khiến tôi băn khoăn rất nhiều. Các cụ xưa đã nói: “Dạy con từ thưở còn thơ…” Phải chăng ngay cả những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt, tầm thường này, chúng ta cũng cần dành cho chúng sự quan tâm và điều chỉnh cho thích hợp?