Lẵng hoa của nhà giáo, võ sư Nguyễn Văn Dũng mang dòng chữ Chúc mừng cuộc hội ngộ ân tình. Dù có đi bốn phương trời, dù đã triển lãm ở nhiều nước trên thế giới nhưng Đinh Cường không bao giờ quên bạn bè ở Huế. Những chuyến trở về cõi Huế quê mẹ của anh hàm nhiều ý nghĩa.
Tháng 4-2001, thương nhớ Trịnh Công Sơn, ở Thôn Vỹ, Bửu Chỉ ngồi vẽ. Sau thất tuần của Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ nhận được Email của Đinh Cường từ Mỹ. Chẳng hề bất ngờ, bên kia bờ Thái Bình Dương, Đinh Cường cũng đang vẽ Trịnh Công Sơn. Thế là họ bàn với nhau: 100 ngày của Sơn anh em mình hãy làm cái gì đó cho Sơn? Ý tưởng của họ được bạn bè Huế cổ vũ và xúm tay tổ chức một cuộc triển lãm. Đó là phòng triển lãm nghệ thuật nhân đúng 100 ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được khai mạc vào ngày 10-7-2001, tại nhà trưng bày nghệ thuật thành phố Huế (4 Hoàng Hoa Thám). Phòng triển lãm như một nén nhang tưởng nhớ Trịnh Công Sơn, người con tài hoa của xứ Huế.
Tại phòng triển lãm, tôi hỏi Đinh Cường vẽ Trịnh Công Sơn từ bao giờ. Đinh Cường thổ lộ: Sơn là người bạn tôi yêu quý nhất từ thuở 20 tuổi đến tận bây giờ. Sau khi Sơn ra đi, tôi vẽ liền một hơi 26 bức trong tháng 4 và tháng 5-2001. 31 bức trưng bày lần này chỉ có 5 bức là đã cũ. Tôi vẽ Sơn lúc mới chơi thân với nhau. Nhưng hồi đó chỉ là vẽ chơi cho vui để ghi lại những kỷ niệm bạn bè cùng giang hồ, rong chơi. Vẽ chơi thì rất nhiều nhưng gần như đã mất hết, không còn giữ lại được gì đáng kể. Còn chính thức vẽ Sơn đúng nghĩa thì từ năm 1985.
|
|
|
|
Đinh Cường và bạn bè Huế.
|
|
Những lúc nào thì anh ngồi bên giá vẽ vẽ Trịnh Công Sơn?
Khi tôi nhớ về một kỷ niệm nào đó. Thế là hồi tưởng, và vẽ. Như bứcMàu tàn phai đây này, Sơn thường hát cho tôi nghe: Trong từng giọng nói có mầu tàn phai. Bức Vực thẳm buồn theo là từ câu Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo. Bức Đôi vầng nhật nguyệt và Một cõi đi về là lời của ca khúc cùng tên… Đó là những câu hát của Sơn cứ ám ảnh cả đời tôi.
Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Bửu Ý là nhóm bạn Huế một thời và mãi mãi. Họ thường nói với nhau: Có nhạc, có triết, có họa, có thơ và dịch thuật nữa thì còn gì hơn. Đinh Cường nói: Với tình bạn, với niềm say mê văn học nghệ thuật chúng tôi bổ sung kiến thức cho nhau và đã có một thời làm việc đầy hưng phấn. Ngô Kha cho in Hoa Cô độc, do Rừng vẽ bìa 1962, gây luồng gió mới cho thơ. Bửu Ý dịch Vườn đá Tảng của Nikos Kazantzakis, Con lừa và tôi của Ramon Rimenez rất thơ mộng. Tường say sưa với siêu hình học. Còn Sơn và tôi với những quả chín đầu mùa: Diễm xưa của Sơn, và Miền lệ xanh của tôi, được chọn dự triển lãm lưỡng niên họa sĩ trẻ tại Paris năm 1962.
Đinh Cường kể thêm: Tôi đã cùng Trịnh Cung thuê nhà ở đường Nguyễn Thị Giang, gần chợ Cống. Căn nhà này thời đó nằm giữa đồng lúa hoang vắng. Chúng tôi đã vẽ với tất cả “cuồng nộ sáng tạo”. Những bức tranh cực kỳ lãng mạn của thời xanh lam.
Lần này, sau cơn tai biến của Hoàng Đăng Nhuận, Đinh Cường mang về Huế một va ly tranh khổ nhỏ và bốn bức lớn mới vẽ trong năm 2010. Anh cù rủ thêm Phan Ngọc Minh tổ chức cuộc triển lãm ngay tại nhà Hoàng Đăng Nhuận để tập hợp bạn bè đến với Nhuận; để hội ngộ giới văn nghệ sĩ từ Huế, từ TP. Hồ Chí Minh; kéo khán giả yêu nghệ thuật ở kinh kỳ lên Chiêu Ê với Hoàng Đăng Nhuận. Không chỉ về với Hoàng Đăng Nhuận vừa qua cơn bạo bệnh mà khán giả còn được gặp lại Ngô Kha, Bùi Giáng, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San… qua nét họa của Đinh Cường; được cảm nhận về Huế qua nét bút của họa sĩ xứ Quảng Phan Ngọc Minh với những ký họa về Trần Kích, La Cháu, Minh Mẫn… những lão nghệ nhân đang bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của Huế.
Người Huế cũng hết sức ân tình với Đinh Cường. Ngay hôm khai trương ông chủLàng Hành Hương gắn một nơ. Một bức được duống xuống ngay tức khắc, bởi người mua là một du khách đi ngang qua. Trước ngày Đinh Cường rời Huế có bốn bức nữa về tay người khác. Vị chi là sáu bức có người lựa mua trong vòng năm ngày. Có một bức nhiều người tấm tắc, ba người đòi mua nhưng Đinh Cường từ chối “vì vợ dặn phải mang về”. Đó là bức Hoài niệm Huế, cũng vừa mới vẽ. Lập tức Nguyễn Hữu Châu Phan ghi hình để làm bìa cuốn Nghiên cứu Huế tập 7. Đây là đặc san của Trung tâm Nghiên cứu Huế, hơn một năm mới ra một cuốn. Đặc san đang in phần ruột, Nguyễn Hữu Châu Phan cho thay bìa để Đinh Cường kịp mang theo gần chục cuốn về Mỹ tặng bạn bè.
Trong bữa tiệc rượu mừng Đinh Cường trở về Huế ở trên sân thượng Trung tâm Festival, nơi đầy ắp kỷ niệm của Bửu Ý, Đinh Cường và Trịnh Công Sơn ở bên bờ sông Hương, Bửu Ý, người bạn có mặt ngay từ triển lãm tranh đầu tiên của Đinh Cường hồi đầu thập niên 1960 tiết lộ: Đinh Cường có duyên bán tranh, triển lãm nào cũng bán được tranh, có những bức hai ba người giành nhau mua. Nhân chứng có mặt hôm đó là nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan và bác sĩ Dương Đình Châu. Hai nhà Huế học này đã mua tranh của Đinh Cường từ những năm 1960. Trong nhà Nguyễn Hữu Châu Phan hiện có đến năm bức tranh của Đinh Cường. Bức đầu tiên Nguyễn Hữu Châu Phan mua chính là bức chân dung ý trung nhân của Đinh Cường. Đinh Cường vẽ bức này ngày 6-6-1966, vẽ kỷ niệm một năm ngày cưới. Sau này biết Đinh Cường tiếc ngẩn ngơ Nguyễn Hữu Châu Phan đã “gá nghĩa” cho châu về hợp phố. Mấy năm nay trên bàn làm việc của Nguyễn Hữu Châu Phan có hơn 30 bức tranh của Đinh Cường được in trên khổ giấy A4 để anh tùy nghi làm bìa và phụ bản.
Từ sự kiện sáu bức tranh trong một phòng tranh được mua trong năm ngày nhà giáo Bửu Ý cho rằng, sự trở lại của Đinh Cường đã phục hồi truyền thống mua tranh trong triển lãm tranh ở Huế?! Mua tranh để cổ vũ người họa sĩ lao động sáng tạo là một nét văn hóa của những người làm công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa văn nghệ, và của người yêu nghệ thuật.
(Theo Báo Đà Nẵng)