Đứa con gái 2 tuổi đến chơi cùng con gái bạn cũng tầm tuổi, chị Hồng (Bàn Cơ, TP.HCM) không có đến một phút để trò chuyện cùng bạn vì phải phục vụ con.
Thấy bé Anh, con bạn có con búp bê biết đi, bé Thư liền vòi chơi. Nhưng bé Anh không chịu nhường, nhu cầu không được đáp ứng, bé Thư khóc toáng và nằm vật xuống sàn ăn vạ. Sợ con khóc nhiều sinh bệnh, chị Hồng phải vừa dỗ con vừa bế lên taxi để ra cửa hàng đồ chơi mua ngay con búp bê tương tự, bé mới chịu nín.
Chưa hết, đến giờ ăn, để bé chịu ăn, hai mẹ con phải vào… nhà vệ sinh cho bé nghịch nước. Lạ chỗ, bé không chịu ngủ trưa, mẹ buộc lòng phải bế ru. Chị Hồng còn than, một mình bé Thư phải có ít nhất 2 người phục vụ, ăn thì một người vừa cho ăn vừa “làm khỉ” (làm trò) vừa quạt. Lúc nào cũng phải người bên cạnh, nếu không bé Thư sẽ khóc toáng lên ăn vạ, rồi nôn trớ, ho sặc sụa.
Chị Hồng vốn là người tiết kiệm, chưa bao giờ dám đi đâu bằng taxi, vậy mà từ ngày có con, nhưng lo sợ con ốm, nắng, bụi bặm… nên chỉ cần bước ra khỏi nhà là gọi taxi, đồ chơi, thức ăn uống phải là hàng ngoại mới bảo đảm an toàn.
Do đó, chi phí cho mỗi đứa con gái mỗi tháng ngốn gần 7 – 8 triệu. Hai vợ chồng phải làm việc cật lực, mới đủ chi tiêu cho cả gia đình.
Mới có 2 tuổi đầu, nhưng bé đã thể hiện rõ sự ích kỷ của mình, không nhường đồ chơi cho bạn, không chia bánh để bạn cùng ăn, thấy bố mẹ ẫm bé nào khác là khóc toáng lên, lúc nào cũng phải có người chơi cùng, điều gì không vừa ý là khóc, nằm vật ra sàn nhà ăn vạ…
Tình trạng cha mẹ biến thành nô lệ của con cái trong xã hội hiện nay đang phổ biến, thậm chí đáng báo động, nhất là ở các gia đình giàu có, ít con hoặc chỉ có một con trai. Họ có thể làm tất cả vì con, miễn sao con đầy đủ không kém chị kém em, có cuộc sống sung túc, con vui vẻ là được.
Nhiều bậc cha mẹ có thể làm tất cả vì con, miễn sao con đầy đủ không kém chị kém em, có cuộc sống sung túc, con vui vẻ là được |
Có những hậu quả không thể thấy trước, nhưng đó là hệ lụy của một quá trình chăm sóc và giáo dục từ bé.
Theo BS Ngọc Thanh, sự cưng chiều quá mức cũng là một trong nhưng nguyên nhân khiến trẻ mắc một số vấn đề về tâm lý như chậm nói (trẻ chưa đòi hỏi đã được đáp ứng), hiếu động (muốn gì được nấy)… Ngoài ra, sự cưng chiều quá mức còn làm trẻ luôn ỷ lại, thiếu trách nhiệm với bản thân nên cũng không có trách nhiệm với người khác. Lớn lên, chúng cũng dễ bất mãn, suy sụp và nản lòng trước khó khăn. Trẻ có thể trở thành một người nhu nhược hoặc hung bạo vì quen được cung phụng.
Cha mẹ nghĩ rằng được nuông chiều, phục vụ từ A – Z là trẻ hạnh phúc? Không hẳn thế. Thực tế cho thấy, trẻ sẽ cảm thấy bất hạnh vì luôn bị kiểm soát, chiếm lĩnh, trẻ không có tự do để khám phá và học hỏi.
Chưa kể, để có đủ khả năng tài chính để đáp ứng nhu cầu sống tốt nhất cho con, cha mẹ phải đánh đổi bằng thời gian cho công việc. Trẻ thừa vật chất nhưng lại thiếu thốn tình cảm, được dư thừa và thỏa mãn mọi thứ, nhưng lại không bị đòi hỏi bất cứ trách nhiệm nào nên dễ trở thành ích kỉ, lười biếng, vô trách nhiệm, ỷ lại và coi thường của cải vật chất…
Bởi vậy, trẻ thường dễ bị những thiếu hụt trong tính cách. Chiều chuộng con vô điều kiện là làm hại con. Tạo cho con những phẩm chất tốt không phải là điều không thể làm được.
Do đó, hãy giúp con tăng cường tình bạn, thường xuyên cho con giao lưu tiếp xúc với các anh chị em họ và những người họ hàng của con, khuyến khích con làm việc thiện, hoạt động cộng đồng, giúp đỡ người khác và đòi hỏi nó có trách nhiệm giúp đỡ ông bà, cha mẹ.
Hãy cố gắng đối xử với đứa con một không quá khác biệt so với những đứa con đàn. Tuyệt đối không tạo ra một không khí khiến đứa trẻ ý thức được rằng, nó là trung tâm của vũ trụ, là kẻ “thống trị” trong gia đình.
Yêu cầu trẻ phụ giúp công việc gia đình, khuyến khích trẻ tự xúc ăn, biết tự đứng dậy khi vấp té, phân tích cho trẻ hiểu là trẻ té do đi đứng không cẩn thận, chứ không phải do cái ghế, cái bàn… Khuyến khích trẻ tự dọn dẹp đồ chơi, gấp chăn màn ngay ngắn…
(Theo BSGĐ, afamily)