Không phải cứ lớn tuổi hơn là có thể ra lệnh
Cảm giác bị áp đặt là điều ai cũng có thể cảm thấy khi bị ai đó ra lệnh. Con của bạn có thể đã quen với việc nghe lệnh của bố mẹ rồi nhưng cũng có thể, chúng đã quen với suy nghĩ rằng mình bị bố mẹ áp đặt rồi và rất tự nhiên, chúng không bao giờ có thể chia sẻ với bạn như với một người bạn.
Việt Nam là một mô hình mang đặc trưng đông phương, nói là muốn làm bạn với con nhưng chưa chắc bạn đã làm được một phần nhỏ của điều đó. Một trong những cản trở đó là bạn không thể nào từ bỏ suy nghĩ rằng trẻ con thì phải nghe lời người lớn.
Bạn vẫn có thể khéo léo can thiệp vào cuộc sống của con mình mà không gây cảm giác áp đặt cho chúng. Để làm được điều này, bạn sẽ phải cố gắng rất nhiều để loại bỏ thói quen ra lệnh cho con mình.
Từ bỏ thói quen ra lệnh
Theo ThS. tâm lý Nguyễn Mạnh Hà, để từ bỏ được thói quen này, bạn phải học cách nghĩ rằng không ai trên đời thích nghe lệnh cả. Mọi việc được dàn xếp trên nguyên tắc một sự việc hợp lý và được hai bên chấp thuận. Ngay cả khi bạn muốn con mình làm một điều rất đúng, bạn cũng phải khiến chúng hiểu rằng đó không phải là điều bạn áp đặt.
Ví dụ, bạn không muốn con chơi game quá nhiều và bạn nói với chúng rằng: Chơi game không tốt. Bọn trẻ sẽ cãi rằng: Các nhà khoa học nói rằng chơi game giúp phát triển phản xạ đấy bố! Và rồi bạn tức giận: Không nói nhiều, tắt điện tử đi ngay!
Bọn trẻ sẽ không bao giờ tâm phục rằng chơi game là không tốt, chúng chỉ thấy bị áp đặt mà thôi.
Thay vì quát tháo, sao hai bố con không cùng tìm hiểu về lợi hại của việc chơi game? Sau khi đã có các bằng chứng khoa học cho thấy chơi game nhiều là không tốt, hai bố con sẽ cùng dàn xếp việc nên chơi game bao lâu một ngày là hợp lý. Nếu bạn làm được điều này, bạn sẽ không mất công gào thét cậu ấm mỗi ngày về việc chơi game quá nhiều nữa.
Làm bạn với con là cả một quá trình học hỏi của người lớn, qua nhiều bước và nhiều phương pháp phức tạp. Phụ huynh hãy thử bước đầu tiên này trước nhé!
Kim Sen
(theo afamily)