Tôi không phải một người phụ nữ thành đạt, cũng không thuộc người muốn đua với đàn ông. Thời đi học chỉ muốn học thật giỏi để thầy cô, cha mẹ hài lòng. Đi làm thì cố làm thật tốt để không xấu hổ với đồng nghiệp, để được thủ trưởng tín nhiệm. Lấy chồng thì cố làm việc để chồng bớt nỗi vất vả lo toan, cố nhường nhịn để gia đình êm ấm, hạnh phúc… Chỉ thế thôi nhưng khó khăn vô vàn…
Hết năm thứ nhất đại học, vì kết quả học tốt tôi được Bộ Đại học chọn đi học nước ngoài. Mừng khôn tả. Vậy mà người yêu tôi nghe tin ấy lại im lặng, mãi sau mới bảo: Em đừng đi. Anh không thích…
Mẹ anh cũng khuyên anh: Nếu tôi đi thì hai đứa nên cắt đứt vì con gái đi Tây thì mười cô hư cả mười, lại thêm vợ hơn chồng thì chẳng ra làm sao… Thế là tôi chưa bước chân ra đến sân bay, chưa làm nên cơm cháo gì đã bị người yêu bỏ. Bài học của mối tình đầu đau buốt luôn nhắc tôi: Không được hơn chồng…
Nhưng thật trớ trêu. Khi công ty mở liên doanh, vì tiếng Anh tốt, lại có năng lực, nên tôi được thủ trưởng tín nhiệm đưa sang liên doanh phụ trách kỹ thuật. Mừng khôn xiết, vì thu nhập ở liên doanh nhiều gấp mười lần thu nhập cũ của tôi.
Mọi người tấm tắc, xuýt xoa khen tôi sướng. Họ còn tính toán chi tiêu hộ tôi. Họ chọn đất, chọn kiểu nhà cho vợ chồng tôi. Rồi họ khuyên chồng tôi về nghỉ hưu để hưởng phước của vợ, họ khen chồng tôi có số thân cư thê, họ đem chuyện tiếu lâm về những ông chồng kém vợ ra kể…
Cứ thế, họ nói, họ cười nghiêng ngả mà không để ý đến mặt chồng tôi ngày càng đanh sắt lại. Thế là chưa cầm được đồng tiền nào của liên doanh mà quan hệ vợ chồng tôi đã căng thẳng chực đứt. Chiến tranh lạnh thật khủng khiếp.
Chồng tôi là người có học, được đi đây đi đó nhưng cái tư tưởng cổ hủ, tính tự ái, sĩ diện đàn ông vẫn không thua kém mọi người. Anh mặc cảm trước những lời trêu đùa của mọi người. Anh không muốn thu nhập của tôi hơn anh mặc dù như vậy là tôi đã gánh cho anh bớt phần nặng nhọc. Anh ấm ức, bực bội nhưng chẳng thể nói: Đừng sang liên doanh…
Trước kia chồng tôi vẫn chia sẻ việc nhà với tôi. Tôi chợ búa, cơm nước thì anh dọn dẹp nhà cửa, dạy dỗ con cái, nhưng từ khi tôi làm ở liên doanh, anh chẳng làm gì nữa, bỏ bê tất cả như muốn nói: Cô giỏi thì hai đảm đang đi…
Vì có con nên dù bận việc đến mấy tôi cũng phải về đúng giờ để cơm nước, anh biết thế nên hôm nào anh cũng căn giờ đến lúc tôi dọn cơm lên mới về.
Cường độ làm việc ở liên doanh làm tôi mệt mỏi, về nhà chỉ muốn được nghỉ ngơi. Tôi bàn với chồng thuê người giúp việc thì anh lạnh lùng bảo: – Chả lẽ làm được tí tiền thì cứ phải tiêu cho hết đi sao? Nhưng… cô làm ra tiền, cô thích thì cứ việc thuê người…
(Theo TGPN, afamily)