“Người ta bảo phụ nữ hiện đại sướng, không phải đau đầu chuyện chợ búa. Nhưng được xách làn đi chợ ướt, trả giá từng đồng bạc lẻ, là khao khát bình dị không phải lúc nào cũng có được”.
Đó không chỉ là tâm sự riêng của chị Mai Hoa (Trường Chinh, Hà Nội) mà của rất nhiều phụ nữ công sở thời hiện đại. Chị kể: “Ngày trước, làm nhà nước, công việc có nhàn hơn. Sau giờ tan sở tôi ghé chợ mua đồ về nấu. Thời gian sau chuyển sang làm cho một công ty nước ngoài, thu nhập khá hơn, nhưng đồng thời tôi cũng mất khoảng thời gian được làm công việc giản dị của một người phụ nữ. Nhà thuê cô giúp việc, gọi điện là nhân viên siêu thị mang đồ ăn đến tận nơi… Đôi khi, làm thêm vào thời gian tan sở, tôi cứ bồn chồn nhớ những ngày tất bật chuyện chợ búa, cơm nước cho chồng con”.
Đứng ở chợ Thành Công một lúc khá lâu, chị Hồ Liên Hương (Ba Đình, Hà Nội) mới ghé vào gửi xe. Hôm nay, chị không hề có lịch đi chợ, bởi cô Hoa, người giúp việc đã lo cả rồi. “Xong việc sớm hơn hẳn mọi ngày, trên đường đi về nhà thấy lòng mình xốn xang, muốn ghé qua chợ chơi. Ngày trước, cả chợ ai cũng quen mặt, nhiều hàng quán quen lâu không thấy mình cũng hỏi thăm sức khỏe qua cô giúp việc suốt. Đi chợ, thấy thân tình lắm!”.
Dù biết bữa tối đã xong, nhưng chị vẫn tự tay mua thêm mớ rau, con cá, vài lạng thịt… “Ngày trước đi chợ trong đầu nghĩ hôm nay ăn gì, thịt này có bệnh không, rau này có sạch không, về than với chồng mệt mỏi. Vậy mà lâu ngày không được ra khu chợ ướt lép nhép, được kì kèo trả giá vài đồng lẻ, là nhớ”.
Gia đình hiện đại bây giờ đi siêu thị theo lịch, đều đều như được lập trình không bao giờ thay đổi. Mỗi cuối tuần, tranh thủ không có giờ làm thêm, vợ chồng cùng con cái lựa đồ ăn cho cả tuần, nhét đầy tủ lạnh. Đa phần là thực phẩm đã chế biến sẵn để tiết kiệm thời gian.
Ông xã chị Phạm Mai Phương (Đại Từ, Hà Nội) vẫn nói vui: “Thời buổi này, mẹ không thể dạy cho con gái lớn biết, mua thịt thế nào mới ngon, chọn hoa quả sao cho khéo, chế biến thực phẩm vừa miệng… Con gái cứ ra siêu thị lựa, mọi thứ đều có sẵn, chẳng phải bận tâm mà nghĩ, mà đắn đo”.
Câu nói đùa của ông xã trong buổi tối nọ làm chị Phương suy nghĩ mãi. Xưa đi lấy chồng, mẹ chị dạy tỉ mỉ chị phải đi chợ ra sao, mua đồ ăn thế nào. Cẩn thận hơn, mẹ còn dẫn chị đi chợ, chỉ tận mắt từng món, từng thứ…. “Mới có mấy năm thôi, cuộc sống đổi khác rồi. Bây giờ, mình cũng muốn dẫn con gái đi chợ, cho con gái học nữ công gia chánh, mà bận bịu quá, chẳng có thời gian dành cho riêng mình”.
“Chợ” chị đi bây giờ là chợ sạch, siêu thị ngay sát nhà, đi vài bước tới nơi. Thực phẩm an toàn, máy tính tiền xong thì trả. Nhanh và tiện lợi. “Nhưng đôi khi vẫn nhớ, khao khát được nghe những câu mời chào mua thứ này, thứ kia, được lội trong cái chợ lép nhép làng Đại Từ mỗi khi mưa, nhìn những con cá, con tôm nhảy tanh tách, những mớ rau mướt mát xanh vừa mới hái”.
Thậm chí, hôm nào về muộn, hay cô giúp việc đi vắng, chị Phương chỉ cần gọi điện cho nhà hàng, cơm canh sẵn sàng trong 20 phút. “Đồ ăn ngon, nhưng chồng và con gái sẽ ăn ít hơn ngày thường, bữa cơm hình như cũng trầm lắng hơn thì phải”. Chị thở dài nói.
Mọi thứ đều có sẵn phục vụ cho cuộc sống bận rộn, phụ nữ hiện đại sướng bởi không phải đi chợ mỗi chiều tan sở, không phải căng mắt lo an toàn thực phẩm, cả không kì kèo trả giá… Họ ngồi ở công ty, miệt mài làm việc, khi về nhà vẫn sẵn cơm canh. Nhưng sâu thẳm trong lòng những người phụ nữ ấy, vẫn còn đó khao khát bình dị thèm được đi chợ ướt, được tự tay nâng lên, đặt xuống mớ rau, con cá. Để cảm nhận sự tất bật của người nội trợ mới chính là hạnh phúc, niềm vui của một người phụ nữ.
Đinh Liên
(theo afamily)