Tôi đã từng trải qua những phút giây tuyệt vọng tưởng chừng không thể vượt qua, và người vực tôi dậy, khiến cho tôi mỉm cười không ai khác chính là hai đứa con gái của tôi.
Có lẽ không có cuộc chia tay nào tốn ít giấy mực như cuộc chia tay của tôi. Trong Giấy xác nhận thuận tình ly hôn, chỉ ghi vài dòng ngắn ngủi: “Tài sản: không có gì tranh chấp. Hai con: ở với mẹ. Lệ phí: 50 ngàn đồng, do vợ đóng”… Thế là ba mẹ con ra khỏi nhà.
Để mua được căn nhà nhỏ tồi tàn, sửa chữa lại cho thật dễ thương, tôi đã phải vay mượn đủ kiểu. Nhờ một người bạn giới thiệu, tôi tìm được một kiến trúc sư. Thấy cô ấy dễ thương, chân thành, bao nhiêu tiền xây nhà tôi giao hết cho cô ấy giữ, vì lúc ấy ba mẹ con vẫn phải ở nhờ nhà một người bạn, chờ đợi nhà xây xong. Nào ngờ, nhà xây nửa chừng thì cô ấy… trốn biệt, để tôi lại với đống gạch vữa ê chề. Đang sống trong đủ đầy, bỗng dưng phải đi ăn nhờ ở đậu, nhìn con cứ thảng thốt, âu sầu, lòng tôi đau như cắt. Lại tiếp tục vay tiền để làm tiếp. Lần này tôi chẳng tin ai hết, tự mình đi mua từng cái lavabô, ống nước… rồi chỉ đạo công trường như một chủ thầu xây dựng. Nhà xây xong, đêm đầu tiên ngủ trên chiếc giường êm ái, con cứ ôm mẹ khóc ròng. Thương con quá, tôi giấu không cho con biết mình mắc nợ. Thấy mẹ tối ngày đi làm, người gầy rạc đi, da xám lại vì lo âu, mất ngủ triền miên… con tôi sợ quá hỏi thăm bạn bè, mới hay mẹ đang mắc nợ. Lúc ấy, con gái đầu của tôi đang học đại học, đứa thứ hai vừa tốt nghiệp phổ thông. Nếu không có chuyện chia tay của bố mẹ, cháu thứ hai đã đi du học. Cuộc chia tay làm đảo lộn hết tương lai, đôi khi, tôi thấy ánh mắt của con nhìn mẹ như trách móc, giận hờn…
Một buổi tối, hai chị em nấu bữa cơm thật ngon cho mẹ ăn, cô con gái đầu lúc ấy mới khẽ khàng nói với tôi: “Mẹ đừng lo lắng nữa kẻo bệnh thì khổ lắm. Hai chị em con đã bàn với nhau, con đã xin được việc làm thêm phụ tiền nuôi em, còn tiền của mẹ chỉ để dành trả nợ. Em cũng không giận mẹ nữa đâu. Con đã khuyên em học trong nước cũng nên người thôi mà, quan trọng là chính mình phải nỗ lực thôi”. Từ đó, mọi vấn đề tài chính trong nhà đều công khai hết. Tôi giao cho bé út quản lý tiền, vì cháu học quản trị kinh doanh, nên tính toán rất cụ thể, chi li. Mỗi lần đi ăn, cháu không dám kêu món đắt tiền, thèm mua sắm lắm cũng phải ngưng lại hết để “chờ nhà mình trả nợ xong con mới mua đồ mới”. Nhờ các con biết chắt chiu, trong ba năm mẹ con tôi đã trang trải hết nợ nần.
Cuộc sống ba mẹ con vẫn không thể trở lại bình thường trong ngôi nhà thiếu vắng người cha. Bữa cơm dọn lên cứ trống trải, lành lạnh. Rồi mỗi lúc ống nước bị hư, cái đinh bị sút không ai sửa, con chuột bò vào nhà cũng chẳng có ai dám đuổi đi… Lo cho con thứ hai vào đại học, cho con thứ nhất có được việc làm, tôi nhẹ cả lòng. Cố gắng bù đắp cho con, tôi gần như quên cả bản thân. Ăn mặc cũng chẳng thèm để ý. Nỗi buồn đè nặng chẳng dám lộ ra khiến tôi ngày càng héo úa. Chính con lại là người vực tôi dậy. Cô con gái đầu của tôi rất thích sưu tầm sách học làm người, thấy tôi thứ bảy, chủ nhật chẳng hò hẹn ai, cứ nằm vùi, sáng thức dậy mắt lại sưng húp, cháu nói có vẻ triết lý: “Mỗi ngày, mẹ hãy thức dậy từ sáng sớm và ra công viên đi bộ, hít thở khí trời với con. Mẹ hãy coi đó là một cuộc “hò hẹn” với bản thân. Phải biết yêu bản thân và yêu cuộc sống. Vì cuộc đời này còn đẹp lắm”. Thế là sáng sáng, con lôi mẹ ra khỏi giường, đi ra Tao Đàn. Nhờ đi bộ đều, tôi gần như bình phục, chứng rối loạn tiền đình cũng dứt hẳn. Bây giờ, đi bộ với con mỗi ngày là một niềm vui không thể thiếu trong cuộc sống ba mẹ con. Mỗi khi có chuyện buồn ở cơ quan, các con lại nắm tay tôi “Mẹ ơi, cố lên”.
“Đã có một thời gian dài tôi giận mẹ, vì mẹ đã rời xa ba tôi. Nhưng bây giờ lớn lên, biết yêu, tôi mới hiểu mẹ đã đau khổ như thế nào khi sống mà không có tình yêu”.
Cô con gái thứ hai của tôi có biệt tài thích làm đẹp, sưu tập thời trang, rất nghiêm khắc với mẹ trong chuyện ăn mặc. Tình cờ một hôm có người bạn hỏi tôi: “Em thấy trên blog của con gái chị có đăng hình chị đẹp lắm, cháu viết về mẹ rất dễ thương”. Tôi sảng hồn, nhờ người bạn hướng dẫn để vào blog của con. Đọc những dòng con viết về mẹ gửi cho bạn bè, tôi nghẹn ngào: “Đã có một thời gian dài tôi giận mẹ, vì mẹ đã rời xa ba tôi. Nhưng bây giờ lớn lên, biết yêu, tôi mới hiểu mẹ đã đau khổ như thế nào khi sống mà không có tình yêu. Hôm rồi sinh nhật ba, ba đã ôm hai chị em tôi và khóc: Ba sai rồi. Hãy chăm sóc mẹ thay ba. Mẹ bây giờ yếu rồi, đừng để cho mẹ buồn con nhé. Tôi yêu mẹ nhất trên đời…”
Bây giờ, mẹ con tôi đang sống những ngày hạnh phúc. Nhưng tôi vẫn không quen được với cảm giác bữa cơm dọn lên chỉ có ba người, và mỗi lần tôi hỏi con gái bao giờ lấy chồng, cháu đều nói: “Mẹ thử chỉ cho con xem trong đám bạn bè của mẹ, có ai lấy chồng mà hạnh phúc không?” Tôi đắng họng nhìn con…