Khi những hình ảnh phố cổ Hà Nội được đưa lên các tấm bưu ảnh, thì thông qua đó, có thể nói người Pháp đã cấp “visa” cho các phố có tên “hàng” đi khắp năm châu. Vì thế, triển lãm Qua phố nhớ gì? có phần trưng bày ảnh cổ, đồng thời nó có cấu trúc của một không gian bảo tàng sống. Có thể hình dung, các tác phẩm nghệ thuật đương đại của Nguyễn Huy An, Lê Trần Hậu Anh, Nguyễn Quốc Thành, Trần Hậu Yên Thế… sẽ thể hiện những suy nghĩ độc đáo của nghệ sĩ về các giá trị của Hà Nội cổ. Chẳng hạn, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế thể hiện một vườn điêu khắc “ảo” bằng cách in ảnh chụp vườn hoa Lý Thái Tổ thành một bức phông nền khổ lớn. Và trước “vườn hoa ảo” đó anh trưng bày 36 tác phẩm điêu khắc thể hiện các tên phố của Hà Nội 36 phố phường (bát, điếu, hũ, chiếu…).
Điều thú vị là anh trình bày những biểu tượng tên phố đó dưới hình thức các đồ “bát bảo” (đồ quý hiếm) như các cụ ngày xưa. Như thế tên gọi 36 phố phường sẽ trở thành “tam thập lục bảo bối”. Cùng với ảnh cổ, nghệ thuật đương đại, không gian trưng bày triển lãm còn có những gian hàng giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu cho phố Hàng Mã, phố Hàng Lọng và phố Hàng Đào. Các nghệ nhân với bàn tay khéo léo sẽ có những trình diễn trong suốt thời gian triển lãm. Và điều thú vị hơn nữa là video art của các nghệ sĩ sẽ được “chiếu” ngay lên nền là quang cảnh các nghệ nhân đang làm việc. Trong thời gian tổ chức triển lãm sẽ tổ chức buổi tọa đàm Ký ức thành phố, ký ức di sản về giá trị của di sản với nghệ thuật.
Triển lãm được sự cố vấn của TS Nguyễn Văn Huy – nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân.
(theo thethaovanhoa)