Con hư vì không phục cha
Tuesday, September 14, 2010 8:43
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Việc người cha lạm dụng hay khước từ quyền uy của mình đều làm trẻ phát triển thiên lệch.
Theo các chuyên gia tâm lý, để người cha vừa có thể là bạn với con, vừa không bị mất uy của người trụ cột trong gia đình, trước tiên người đó phải là tấm gương để con học tập.
Con hư vì không phục cha
Chuyên gia tâm lý Hoàng Anh – Trung tâm tư vấn Khánh Việt 1900585876 cho rằng, những người cha thiếu quan tâm đến trẻ phần lớn là do không chuẩn bị tâm lý làm cha, không có trách nhiệm với con nên thường đơn giản hóa công việc chăm con để có lợi cho mình và cũng không ý thức được vai trò của sự quan tâm gần gũi với con.
Khi bị đụng chạm đến quyền lợi cá nhân (chẳng hạn bị mất thời gian do phải chăm con, mất giấc ngủ…), họ dễ dàng cáu bẳn và phản ứng tiêu cực. Thậm chí giành tivi, giành đồ ăn ngon với con. Những người cha khi lấy uy quyền để dậy con những lúc con hư là rất khó vì lời nói không còn trọng lượng.
Theo chuyên gia tâm lý Dương Hà (Trung tâm Tư vấn gia đình, TƯ Hội Phụ nữ Việt Nam), trong gia đình mẹ là tình cảm, cha là pháp luật. Vị thế này có thể đảo ngược trong một số gia đình hiện đại do người mẹ kiếm ra tiền. Mặc dù vậy, sự quan tâm của người cha với con rất quan trọng.
Đặc biệt 3 năm đầu đời người cha rất quan trọng với trẻ, bởi thời gian này trẻ bắt đầu phát triển cái tôi cá nhân. Nếu người cha không giáo dục, hoặc không giao tiếp với con trong 3 năm đó thì rất có thể tâm lý, nhân cách trẻ sẽ phát triển một cách bất bình thường.
Còn theo chuyên gia Dương Hà, người cha có uy quyền ngoài kiếm được mức kinh tế đảm bảo cho nhà, uy quyền của người cha được con nghe theo thì phải là tấm gương cho con học tập, có lòng bao dung, nhân ái, để con có nhân cách ấy và tạo dựng hình ảnh tốt cho con (luôn làm các việc xét về đạo đức là phù hợp với chuẩn mực xã hội).
Ví như dạy con đèn đỏ phải dừng, nhưng cha cứ đi, sẽ làm trẻ nghĩ cha nói thế thôi chứ có thực hiện đâu. Nếu người cha cứ lặp đi lặp lại những việc tương tự như vậy sẽ khiến trẻ không muốn làm theo những điều cha dạy dỗ.
Người mẹ khéo léo kéo cha gần con
Thang giá trị của người Việt Nam là gia đình, không phải chỉ công việc.
Người cha, ngoài công việc phải có trách nhiệm, nghĩa vụ quan tâm, lo lắng cho gia đình, dạy bảo con cái, giúp con có suy nghĩ, định hướng đúng đắn. Dạy dỗ con từ những việc nhỏ nhặt trong nhà.
Gia đình là nơi giáo dục đầu tiên về tri thức, đạo đức, trí tuệ, lao động… cho trẻ. Để trẻ tự rót nước uống, tự phục vụ bữa cơm, tự mặc quần áo… và người cha cần biết khen con khi làm đúng. Điều đó sẽ giúp người cha hiểu con mà uy quyền của mình cũng có được tiếng nói.
Chuyên gia tâm lý Dương Hà
|
Chuyên gia tâm lý Hoàng Anh cho rằng, sai lầm lớn nhất để cái uy của người cha không nạt được con hay không làm bạn với con một phần do người vợ.
Nhiều người vợ thường ôm hết trách nhiệm chăm sóc con, cho rằng người cha bận rộn lại không biết cách chăm sóc con nên gạt ra để mình làm cho nhanh.
Hay khi người chồng “khoán trắng” việc nuôi dạy con cho mình mà người mẹ lại thường xuyên nói xấu cha với con như: “Cha mày có biết đến cái nhà này đâu”, “Cha mày coi chúng mày chẳng ra gì nên mới không quan tâm”… thì vô hình trung khiến đứa trẻ có ấn tượng không tốt về cha, hạn chế sự gần gũi giữa hai cha con ngay từ nhỏ, đẩy khoảng cách giữa hai cha con ra xa.
Ngay từ lúc con còn nhỏ, người vợ nên tạo điều kiện cho chồng vào việc cùng chăm sóc và chia sẻ những lo lắng cho con. Phân công nhiệm vụ chăm sóc con một cách cụ thể cho người cha, ví dụ: Tắm cho con, chơi với con ít nhất 30 phút một ngày, dạy con học…
Nếu chồng quá bận rộn, tranh thủ thời gian kể với chồng những câu chuyện vui về con, tạo cho chồng cảm giác gần gũi yêu thương với trẻ. Hãy để người chồng thấy ở gần, chăm sóc và dạy con là một niềm vui, hạnh phúc chứ không phải trách nhiệm nặng nề.
Người vợ cũng nên tạo bầu không khí ấm áp, gần gũi trong gia đình. Tâm sự với chồng những điều bạn muốn chồng làm cho con. Đánh giá cao những việc làm đó. Nhấn mạnh cho chồng những tác dụng tích cực của hành động đó đối với sự phát triển của con.
Khen chồng trước mặt người khác, làm cho chồng tự hào, hãnh diện khi là một người cha được mọi người ngưỡng mộ. Cùng chia sẻ các kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con với chồng. Thống nhất quan điểm trong nuôi dạy con cái, tránh tình trạng “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Ngoài ra, nên giúp trẻ cảm nhận được vai trò của cha dù chồng ít có thời gian bên con, khuyến khích trẻ nói và thể hiện sự quan tâm đến cha. Nhận được tình cảm yêu thương của con cái và cảm thấy rõ vai trò quan trọng của mình trong gia đình, người đàn ông sẽ không thể dửng dưng.
Hương Thuận
(theo giadinh)