Nếu chúng ta dạy trẻ kỹ năng ứng xử trong những hoàn cảnh đặc biệt, trẻ sẽ biết cách xử lý để vượt qua khó khăn và xây dựng sự tự chủ, tính độc lập, bản lĩnh để sống mạnh mẽ, tích cực.
![]() |
Ảnh minh họa: GettyImages.com
Con gái của bạn tôi từ hồi ba tuổi đã được ba dạy thuộc lòng địa chỉ nhà, tên và số điện thoại của ba mẹ. Năm bảy bữa, anh chị lại “ôn bài” cho cháu. Tưởng chỉ để cho vui, không ngờ có lúc đem “áp dụng” trong thực tế. Đó là lần gia đình anh đi Thảo Cầm Viên, trong lúc mải mê xem cá sấu, cháu đã lạc mất ba mẹ. Không thấy bé đâu, mọi người đều tản ra đi tìm. Ba phút sau, có điện thoại gọi vào số máy của bạn tôi. Một người khách đã hỏi tên cháu bé, số điện thoại ba cháu rồi gọi cho anh.
Quả thật, việc đọc số điện thoại di động hay số nhà với một đứa trẻ 5 tuổi lúc bình thường là việc dễ dàng, nhưng trong lúc nguy cấp, hoảng loạn có thể không hề đơn giản. Vì vậy, cần phải dạy thường xuyên, liên tục để trẻ thực sự “nhập tâm” chứ không chỉ “nhớ mang máng”. Quá trình đó, cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cha mẹ và cũng nên cho trẻ biết rằng việc đó là rất cần thiết trong trường hợp bị lạc để trẻ chú tâm học. Dĩ nhiên, không ai mong trường hợp rủi ro xảy ra, nhưng sự cẩn thận và đề phòng trước vẫn luôn cần thiết.
Có những tình huống thường xảy ra trong cuộc sống, nếu trẻ không được dạy cách đối phó có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc. Ví dụ, trẻ vô ý làm bể cái ly thủy tinh. Biểu hiện đầu tiên của nhiều trẻ là sợ hãi và bật khóc rồi chạy khỏi “hiện trường”. Nhưng thật nguy hiểm nếu vô tình bé giẫm phải các mảnh vỡ. Vì vậy, tốt hơn hết là không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với các vật dễ vỡ (ly, chai lọ… bằng sứ, gốm, thủy tinh); nếu đã lỡ làm vỡ thì dạy cháu đứng yên tại chỗ và gọi người lớn đến giúp. Nếu không có người lớn, cần dạy trẻ cách quan sát để rời khỏi nơi đó và tránh bị thương. Sau việc đó, nên cẩn thận nhắc nhở trẻ để trẻ có “kinh nghiệm” ứng xử với trường hợp tương tự, thay vì quát mắng làm trẻ thêm sợ hãi.
Với những tình huống khó khăn hơn, càng cần có sự hướng dẫn trước. Chẳng hạn khi một vật bốc cháy, cần dạy trẻ việc đầu tiên là chạy ra khỏi nơi xảy ra cháy, đồng thời la lớn “cháy, cháy” để người lớn đến ứng cứu. Nhắc trẻ tuyệt đối không vì tiếc món đồ chơi hay thứ tài sản nào của cha mẹ mà mạo hiểm ở lại hoặc trở vào để lấy bằng được thứ đó. Nếu trẻ đã lớn, cha mẹ có thể kết hợp để dạy trẻ những ứng xử liên quan, chẳng hạn khi thấy đốm lửa nhỏ có thể lấy cái chăn hoặc vật cứng để dập lửa, biết gọi số cứu hỏa (114), biết dắt em nhỏ ra khỏi nơi cháy…
Cuộc sống là một quá trình vượt qua các thử thách, trở ngại. Người nào có nhiều trải nghiệm, chủ động vượt khó, có khả năng phán đoán, ứng phó tốt sẽ ít gặp khó khăn hoặc chịu hậu quả nhẹ hơn những người khác. Với trẻ nhỏ cũng vậy, nếu giấu chúng trong các “tháp ngà” thì chẳng khác nào triệt tiêu tính chủ động, linh hoạt, kỹ năng xử lý các tình huống, đặc biệt là tình huống nguy hiểm. Khi đó, trẻ sẽ trở nên lệ thuộc, ỷ lại, chậm chạp, không biết tự xoay xở, và dù thương con nhưng cha mẹ đã vô tình hại con. Do vậy, tốt hơn hết hãy chủ động trang bị cho trẻ ý thức vượt khó và những kiến thức cần thiết để trẻ tự xử lý khi rơi vào tình huống nguy hiểm, bất ngờ.
Minh Tâm
(theo phunuonline)